Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.
Tiết kiệm nhiều nhờ máy móc, thiết bị
Được thành lập vào tháng 5 năm 2022, Tổ hợp tác (THT) sầu riêng ấp 7 (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) gồm 23 hộ nông dân chuyên sản xuất sầu riêng với quy mô gần 34ha, trong đó hơn 15ha đã được cấp mã số vùng trồng. Sản phẩm chính của Tổ hợp tác là sầu riêng Dona, sầu riêng Ri6, sản lượng khoảng 600 tấn/năm.
Ngay từ khi mới thành lập, Ban điều hành THT đã nhận thức được việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến năng suất cây trồng, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, Ban điều hành THT đã bắt tay vào vận động tổ viên tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Với quyết tâm đó, trong 2 năm qua, sản xuất sầu riêng ở THT sầu riêng ấp 7 đã đạt được mức độ cơ giới hóa cao. Cụ thể đến nay, khâu làm đất đã được cơ giới hoá từ 90 – 95% trong việc đào bồn, dọn cỏ, thiết kế vườn. Ở khâu tưới tiêu, 80% diện tích sản xuất được tưới bằng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Trong khâu chăm sóc, 100% diện tích của THT đã được phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng máy.
Ông Trần Văn Đức, Tổ trưởng THT sầu riêng ấp 7 cho biết, trong năm 2023, Ban điều hành THT đã mạnh dạn đóng góp kinh phí trang bị 1 máy bay không người lái trị giá hơn 400 triệu đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tổ viên và bà con nhân dân trong khu vực có nhu cầu.
Qua đánh giá, máy bay không người lái giúp THT tiết kiệm được công lao động, an toàn cho người sản xuất vì không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, tiết kiệm thuốc BVTV, hiệu quả phun thuốc đáp ứng yêu cầu của các nhà vườn mà chi phí không tăng so với sử dụng công lao động để phun thuốc theo kiểu truyền thống trước đây. Thiết bị dễ sử dụng và áp dụng được ở nhiều địa hình khác nhau.
Cơ giới hóa cao ở nhiều khâu sản xuất
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, Đồng Nai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 270.000ha. Đến nay, ngành trồng trọt của tỉnh đã hình thành 300 vùng sản xuất tập trung với một số cây lâu năm có diện tích lớn như: Cao su 44.000ha, điều 30.000ha, hồ tiêu 12.000ha, cà phê 7.000ha, chuối 13.000ha, xoài 12.000ha, bưởi 10.300ha, chôm chôm 9.100ha, sầu riêng 11.000ha, mít 9.000ha… Đây là điều kiện thuận lợi để tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NN-PTNT và Đề án “Đẩy mạnh cơ giới hóa giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” của UBND tỉnh Đồng Nai, những năm qua, cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Cơ giới hóa đã góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm thất thoát sản phẩm, giảm mức độ khai thác tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, từng bước thực hiện tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Xuân Lộc là một trong những huyện điển hình về cơ giới hóa trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh Đồng Nai. Theo UBND huyện Xuân Lộc, đến năm 2023, toàn huyện có 769 máy sử dụng trong khâu làm đất, trong đó chủ yếu là máy kéo nhỏ từ 714 CV trở xuống. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100% toàn huyện.
Đối với cây hàng năm, toàn huyện có 5 máy sạ hàng, gieo hạt đảm bảo phục vụ cho nhu cầu sản xuất trên địa bàn. Ở khâu tưới, toàn huyện Xuân Lộc có gần 11 nghìn máy tưới với tổng công suất đạt 90% diện tích gieo trồng. Về công tác bảo vệ thực vật, hơn 98% diện tích gieo trồng đã sử dụng máy phun xịt thuốc BVTV. Với các cây ngắn ngày như lúa, bắp, đã cơ giới hóa được gần 100% ở khâu thu hoạch …
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, đến năm 2023, tại các vùng trồng trọt trên toàn tỉnh có địa hình phù hợp để cơ giới hóa, 100% khâu làm đất , khâu tưới, tiêu đã được cơ giới hóa. Có 90.000ha cây ăn trái, cây công nghiệp, rau màu áp dụng hệ thống tưới tiên tiến kết hợp bón phân, một số diện tích được điều khiển tưới tự động.
Ở khâu thu hoạch, 100% diện tích gieo trồng lúa, bắp đã sử dụng máy gặt đập liên hợp, tách hạt, băm cây. Công tác bảo vệ thực vật trong trồng trọt ở Đồng Nai hiện đã đạt tỉ lệ cơ giới hóa 100%, một số ít diện tích sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật.
Hướng tới cơ giới hóa đồng bộ
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cơ giới hóa trong lĩnh vực trồng trọt ở Đồng Nai vẫn còn không ít hạn chế.
Một đặc điểm của điều kiện tự nhiên Đồng Nai gây hạn chế trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong lĩnh vực trồng trọt là có nhiều vùng rộng lớn có đá lộ đầu, địa hình không bằng phẳng tại các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú khiến cho việc cơ giới hóa trong khâu làm đất, vận chuyển ở những nơi này gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất của nông hộ ở Đồng Nai không lớn, bình quân chỉ khoảng 1ha/hộ. Điều này đã hạn chế rất lớn đến việc đầu tư trang thiết bị để cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất.
Chính vì vậy, đến nay, trong trồng trọt còn nhiều khâu tỉ lệ cơ giới hóa vẫn đang ở mức thấp, nhất là khâu gieo trồng đối với cây ngắn ngày; khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản hầu hết còn thủ công. Dây chuyền chế biến nông sản ở các cơ sở nhìn chung còn lạc hậu khi chỉ có khoảng 10% cơ sở có dây chuyền sản xuất tiên tiến.
Trước tình hình đó, thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển cơ giới hóa đồng bộ, tiến tới tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, tỉnh sẽ phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng 3 nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản của địa phương). Các vùng này được cơ giới hóa đồng bộ, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với khu chế biến nông sản và dịch vụ thương mại nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Đồng Nai tiến hành đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân, đẩy mạnh tập trung đất đai, tăng quy mô, qua đó tạo điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa và phát triển chế biến nông sản.
Các doanh nghiệp cũng sẽ được khuyến khích đầu tư mới và mở rộng quy mô nhằm đảm bảo đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Đẩy mạnh triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng hỗ trợ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản …
Các chính sách khuyến công, khuyến nông sẽ được nghiên cứu, xây dựng một cách phù hợp thực tế để hỗ trợ tốt cho các tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ cơ giới nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, các chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản sẽ được xây dựng, phát triển theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.