Sàng, Sảy Cốm. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.
Đến Tú Lệ mùa lúa chín nơi đâu cũng thấy thơm mùi cốm mới, mùi hương thơm ngào ngạt của lúa nếp tan. Đó là bí quyết làm cốm của người dân Tú Lệ.

Sàng, Sảy Cốm. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Sàng, sảy cốm. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Xã Tú Lệ được vây quanh bởi ba ngọn núi Khau Phạ, Khau Tán và Khau Song, nơi đây nổi tiếng với giống nếp tan cho hạt gạo dẻo và thơm ngon. Nếp Tú Lệ có hạt to tròn, trắng trong, khi được đồ xôi có độ dẻo, thơm đặc biệt. Khi chế biến thành cốm lại có hương vị ngọt ngào, thanh mát. Cốm Tú Lệ không chỉ là tinh hoa của đất trời mà còn chứa đựng cả tình yêu, hồn đất mà con người nơi đây gửi gắm.

Đến với Tú Lệ mùa này dọc theo tuyến đường quốc lộ 32 nối thị xã Nghĩa Lộ với huyện Mù Cang Chải, khi đi qua xã Tú Lệ du khách có thể bắt gặp hình ảnh người dân đang miệt mài giã, sàng, sảy cốm.

Tú Lệ có 3 loại nếp thơm là Tan Chậu, Tan Lả, Tan Pỏm. Tan Lả là giống lúa thơm nhất, nhưng phải mất 7 tháng gieo mới cho thu hoạch, năng suất thấp. Tan Pỏm cấy ruộng lầy, thụt, hai giống nếp này bà con đã bỏ nhiều năm nay không cấy. Tan Chậu là giống lúa nếp dẻo ngon hơn cả và dễ làm nên được giữ cho đến ngày nay.

Giã Cốm. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Giã cốm. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Cốm Tú Lệ nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc nhờ bí quyết của người dân Tú lệ khi làm cốm. Để có được những hạt cốm thơm ngon, dẻo quánh đến tay du khách phải qua rất nhiều công đoạn. Từ sáng sớm người dân đã ra đồng chọn những bông lúa to, hạt vẫn còn xanh, gặt về khi còn đẫm sương đêm. Đến khi nắng lên họ mang ra đập, vò khi hạt lúa vẫn còn tươi.

Sau đó thóc được cho vào chậu nước để đãi bỏ những hạt lép nổi trên bề mặt rồi vớt ra cho ráo nước. Rang lúa, công đoạn này là quan trọng nhất đòi hỏi người rang phải thật khéo léo, trước khi rang lúa phải đợi chảo thật nóng mới đổ lúa vào, rang lúa phải đều tay và lửa cũng phải vừa đủ thì hạt cốm mới đẹp, xanh và dẻo. Nếu lửa quá to và không đều tay thì hạt cốm sẽ nở ra, hạt cốm không được đẹp. Để biết khi nào cốm đã rang xong chỉ cần dùng hai đầu ngón tay vê hạt lúa, thấy vỏ tách rời ra khỏi hạt khi đó người ta đem vào cối giã.

Giã cốm đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất. Ngày xưa để có được những chiếc cối giã cốm mọi người cùng nhau lên rừng chặt những cây gỗ to, chắc nịch đem về đục ra làm cối giã cốm. Bây giờ những chiếc cối gỗ đã dần được thay thế bằng cối bê tông, chỉ một số ít cối gỗ còn sót lại. Làm ra được một mẻ cốm ngon người dân vừa giã, vừa sàng, sảy 8 – 9 lần mới xong. Bây giờ có máy móc người dân mang hạt lúa đi bóc tách vỏ trấu, vừa giã vừa sàng, sảy thì 4 – 5 lần xong một mẻ cốm.

Bà Hoàng Thị Chiên đang giã cốm bán cho du khách, cho biết: Tôi làm cốm bán được khoảng 14 – 15 năm rồi, lúc đó cốm có giá khoảng 20.000 đồng một cân thôi, giờ giá bán đã lên đến 120.000 đồng/kg. Làm cốm tuy mất nhiều công đoạn nhưng lãi cao hơn bán gạo. Để được một mẻ cốm tôi mất từ 40 – 50 phút.

Giờ nhiều nhà làm cốm, nhà gần đường thì vừa làm vừa bán luôn cho du khách qua đường. Nhà nào xa đường không thuận tiện thì làm cốm gửi mọi người bán hộ. Năm nay gia đình tôi làm khoảng 3 tạ cốm nhưng bán gần hết rồi, những ngày lễ nhiều du khách, gia đình làm không kịp, có những người đến không còn cốm nên phải đi nhà khác mua.

Mâm Cỗ Để Tri Ân Trời Đất Và Tổ Tiên Đã Cho Người Dân Tú Lệ Một Giống Nếp Ngon. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Mâm cỗ để tri ân trời đất và tổ tiên đã cho người dân Tú Lệ một giống nếp ngon. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, trời đất phù hộ cho một mùa màng bội thu, hàng năm các bản làng người dân xã Tú Lệ còn tổ chức Lễ mừng cơm mới trước khi bước vào vụ thu hoạch lúa chín, được tổ chức vào tháng tám âm lịch hàng năm.

Năm 2022, Lễ hội Cốm Tú Lệ được tổ chức cùng dịp tỉnh Yên Bái đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lễ hội cốm Tú Lệ được tổ chức nhằm bảo tồn, phục dựng và phát triển các giá trị độc đáo của dân tộc Thái.

Bài Viết Liên Quan