Cù Lao Dung Là Địa Phương Có Diện Tích Trồng Mía Lớn Nhất Tỉnh Sóc Trăng. Thời Hoàng Kim, Diện Tích Mía Của Địa Phương Lên Tới Gần 9.000Ha. Ảnh: Kim Anh.

Sóc Trăng Giá mía khởi sắc, niềm tin của chính quyền và người dân, sự quyết tâm của doanh nghiệp tạo điều kiện đưa cây mía Cù Lao Dung về lại thời vàng son.

Nông dân quay lại trồng mía

Trước năm 2010 được xem là thời hoàng kim của cây mía ở Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) với diện tích cao nhất lên tới gần 9.000ha. Cù lao lúc ấy đi đến đâu cũng nhìn thấy những ruộng mía mênh mông dọc khắp các con đường từ trung tâm huyện đến tận vùng sâu.

Cù Lao Dung Là Địa Phương Có Diện Tích Trồng Mía Lớn Nhất Tỉnh Sóc Trăng. Thời Hoàng Kim, Diện Tích Mía Của Địa Phương Lên Tới Gần 9.000Ha. Ảnh: Kim Anh.

Cù Lao Dung là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh Sóc Trăng. Thời hoàng kim, diện tích mía của địa phương lên tới gần 9.000ha. Ảnh: Kim Anh.

Thế nhưng giá mía trước đây chỉ nằm ở mức 700 – 800 đồng/kg và có xu hướng ngày càng giảm, có năm chạm đáy chỉ còn 400 đồng/kg. Đặc biệt đầu năm 2020, việc thực thi cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam đã xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN. Điều này khiến áp lực cạnh tranh đối với ngành mía đường trong nước ngày càng lớn.

Thời điểm này, hàng loạt các doanh nghiệp mía đường xung quanh vùng mía nguyên liệu của tỉnh Sóc Trăng như Hậu Giang, Cà Mau, Trà Vinh gặp khó trong việc giữ nông dân gắn bó với cây mía.

Trong bối cảnh đó, tại Cù Lao Dung, giá mía thấp khiến người dân không còn thiết tha, bà con bỏ mía không chăm bón, tưới tiêu, dẫn đến năng suất, chất lượng mía ngày càng giảm.

Công cuộc chuyển đổi sản xuất bắt đầu diễn ra mạnh mẽ, bà con bỏ mía, chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Ngay cả trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cù Lao Dung lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng xác định kéo giảm diện tích mía của địa phương ổn định ở 2.000ha. Tính đến đầu năm 2022, diện tích mía toàn huyện ghi nhận giảm rất sâu, chỉ khoảng 2.700ha.

Nông dân Nguyễn Văn Bảnh ở xã Đại Ân 1 từng trải qua một thời lao đao vì bị doanh nghiệp nợ tiền bán mía. Lợi nhuận từ cây trồng truyền thống này cũng không khiến cuộc sống gia đình anh ổn định hơn. Theo xu hướng chuyển đổi, anh Bảnh quyết định bỏ mía, đầu tư 2.000m2 ao nuôi tôm. Do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên mô hình này cũng thất thu. Anh quyết định bỏ hầm, lấp đất, lên líp trồng lại cây mía cách đây khoảng 2 năm.

Anh Nguyễn Văn Bảnh (Xã Đại Ân 1, Huyện Cù Lao Dung) Là Một Trong Những Nông Dân Từng Một Thời Lao Đao Với Cây Mía Và Nay Vẫn Quyết Định Quay Trở Lại Bám Trụ Với Cây Trồng Này. Ảnh: Kim Anh.

Anh Nguyễn Văn Bảnh (xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung) là một trong những nông dân từng một thời lao đao với cây mía và nay vẫn quyết định quay trở lại bám trụ với cây trồng này. Ảnh: Kim Anh.

Nói về quyết định quay trở lại trồng mía, anh Bảnh bộc bạch, khoảng 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp mía đường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có sự thay đổi về chính sách. Nông dân trồng mía ở cù lao được quan tâm, hỗ trợ đầu tư trong quá trình sản xuất. Nhờ đó, năng suất, chữ đường (CCS) và giá thu mua mía ổn định ở mức khá cao.

Niên vụ mía 2023 – 2024, anh Bảnh trồng 2ha mía giống KK3, năng suất khoảng 110 tấn/ha, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 40 – 50 triệu đồng/ha.

Để giữ cây mía phát triển bền vững, giữa tháng 6/2023, HTX Mía cù lao ở ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1 được thành lập với 40 thành viên tham gia. Niên vụ 2023 – 2024, HTX canh tác 500ha mía, cho sản lượng trên 40.000 tấn. Trung bình, vụ thu hoạch này chữ đường đạt trên 10,5 CCS, với mức giá thu mua mía nguyên liệu 1.440 đồng/kg (bao gồm chi phí đầu tư của doanh nghiệp), những nông dân chịu đầu tư chăm sóc, lợi nhuận có thể lên đến 70 – 80 triệu đồng/ha.

“Đối với bà con nơi đây, giá cả rất quan trọng. Bà con mong muốn nhà máy đường mua mía nguyên liệu mức giá đảm bảo giúp nông dân có lợi nhuận, đặc biệt là thanh toán nhanh lẹ. Khi mía có giá, bà con mới chủ động chăm sóc để mía có năng suất, chất lượng tốt. Với mức giá hiện nay, bà con trồng mía ở Cù Lao Dung sống ổn định”, anh Bảnh chia sẻ.

Với những nỗ lực lấy lại vị thế của ngành mía đường ở Sóc Trăng của chính doanh nghiệp, chính quyền địa phương và bà con nông dân, bức tranh toàn cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh ngành mía đường ở Sóc Trăng đã có những gam màu sáng, khởi sắc. Bà con nông dân bắt đầu quay trở lại trồng mía. Thống kê đến cuối năm 2023, diện tích trồng mía của huyện Cù Lao Dung đạt trên 3.000ha và dự báo những niên vụ tới có thể đạt mức 3.500ha.

Lấy lại niềm tin người trồng mía

Công ty Cổ phần Mía đường tỉnh Sóc Trăng (SOSUCO) là doanh nghiệp duy nhất sản xuất đường trên địa bàn tỉnh với công suất ép bình quân 2.700 tấn mía cây/ngày, cho khoảng 35.000 tấn đường/năm.

Trong một khoảng thời gian khá dài, SOSUCO chưa tạo được niềm tin cho nông dân và cả ngành nông nghiệp huyện Cù Lao Dung. Nói theo lời ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện là doanh nghiệp này đang “ngồi trên vùng nguyên liệu” sẵn có nên chẳng màng quan tâm đầu tư.

Trong khi đó, do yếu tố địa hình, nền đất ở cù lao rất khó thực hiện cơ giới hóa trong khâu thu hoạch mía khiến chi phí sản xuất tăng cao, nhưng giá thu mua mía nguyên liệu lại thấp. Điều này khiến người dân ngày càng quay lưng với cây mía và địa phương bắt đầu vận động bà con nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.

Niên Vụ 2023 – 2024, Nông Dân Trồng Mía Vô Cùng Phấn Khởi Khi Mía Đạt Chữ Đường Cao, Giá Thu Mua Tăng, Bà Con Có Lợi Nhuận Khá Hơn. Ảnh: Kim Anh.

Niên vụ 2023 – 2024, nông dân trồng mía vô cùng phấn khởi khi mía đạt chữ đường cao, giá thu mua tăng, bà con có lợi nhuận khá hơn. Ảnh: Kim Anh.

Tháng 6/2021, thời điểm Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Từ thời điểm này, giá đường trong nước tăng dần, giá mía tại các vùng nguyên liệu từ niên vụ 2020 – 2021 đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc.

Cũng từ đây, sau nhiều năm trầy trật để níu giữ nông dân trồng mía, SOSUCO bắt đầu tập trung thay đổi chính sách. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp huyện Cù Lao Dung triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ, đầu tư bao tiêu mía nguyên liệu cho nông dân. Điển hình như: Tạm ứng chi phí đầu tư giống, phân bón; hỗ trợ chi phí thuê ghe vận chuyển mía từ vùng nguyên liệu về nhà máy…

Theo ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, hiện nay bà con chỉ cần tập trung công sức để chăm sóc cho mía đạt năng suất, chất lượng tốt. Các khâu còn lại đã được doanh nghiệp “tiếp sức”, nhờ đó, diện tích mía trên địa bàn huyện bắt đầu ổn định hơn và dần được khôi phục trở lại.

Tại các ấp trong huyện hiện nay đều thành lập các tổ hợp tác tập hợp nông dân cùng ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Ông Đắc đánh giá, cách thức hợp tác này đã có nhiều tiến bộ so với trước.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nn-Ptnt Huyện Cù Lao Dung Trải Lòng Về Bức Tranh Sản Xuất Kinh Doanh Của Mía Đường Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung trải lòng về bức tranh sản xuất kinh doanh của mía đường Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

“Ngày xưa, người dân rất khó bán được mía cho doanh nghiệp, phải qua trung gian thứ ba là đại lý để thu mua. Ngược lại, hiện nay người dân trực tiếp bán mía cho doanh nghiệp thông qua bộ phận phụ trách nguyên liệu do SOSUCO lập ra. Bộ phận này có nhiệm vụ điều phối các chính sách thu mua cũng như đầu tư, hỗ trợ, ký hợp đồng bao tiêu với nông dân trồng mía”, ông Đắc chia sẻ.

Đến thời điểm này, các diện tích mía niên vụ 2023 – 2024 ở Cù Lao Dung đã được thu hoạch xong. SOSUCO đã cam kết và thu mua toàn bộ diện tích mía nguyên liệu cho nông dân.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc SOSUCO cho biết, trong niên vụ 2023 – 2024, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu trên 3.400ha. Trong đó, khoảng 3.000ha ở huyện Cù Lao Dung và 400ha ở huyện Mỹ Tú.

Để tạo niềm tin với nông dân, ngay từ đầu vụ, SOSUCO đã đầu tư không lãi suất, giúp nông dân có điều kiện mua phân bón, mía giống, trả công chăm sóc, làm đất, cải tạo đất… với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Để phát triển bền vững vùng mía nguyên liệu trong niên vụ 2024 – 2025, ông Hiếu cam kết sẽ tiếp tục tập trung ban hành nhiều chính sách đầu tư phù hợp trước khi vào vụ sản xuất mía, phấn đấu đạt diện tích 2.500ha.

Thời gian qua, Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung đã tập trung hướng dẫn nông dân chỉnh trang lại ruộng mía, đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất mía của bà con.

Để Giữ Ổn Định Vùng Mía Nguyên Liệu Trong Niên Vụ 2024 – 2025, Sosuco Tiếp Tục Ban Hành Nhiều Chính Sách Đầu Tư Phù Hợp Trước Khi Vào Vụ Sản Xuất Mía. Ảnh: Kim Anh.

Để giữ ổn định vùng mía nguyên liệu trong niên vụ 2024 – 2025, SOSUCO tiếp tục ban hành nhiều chính sách đầu tư phù hợp trước khi vào vụ sản xuất mía. Ảnh: Kim Anh.

Hệ thống thủy lợi của huyện cơ bản đã khép kín một số con rạch, cống. Phát triển hạ tầng giao thông đã giúp việc vận chuyển mía bằng phương tiện đường bộ rất thuận lợi. Người dân có thêm một kênh vận chuyển, thúc đẩy việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nhanh chóng hơn.

Ngành nông nghiệp huyện Cù Lao Dung cũng đang định hướng phối hợp với SOSUCO hình thành các vùng trồng mía quy mô lớn. Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thêm về cơ giới hóa để tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình thu hoạch mía.

Giá mía khởi sắc, niềm tin của chính quyền và người dân, sự quyết tâm của doanh nghiệp đã có. Những điều kiện cần và đủ để đưa cây mía cù lao về lại vị trí “vàng son” vốn có đã hội tụ. Làm sao để giữ vị thế đó một cách lâu dài, bền vững và thật sự ổn định đòi hỏi sự chung tay, đồng hành của nhiều bên. Có như vậy trong tương lai, cây mía Sóc Trăng nói riêng và ngành mía đường nói chung sẽ không còn nghe lại câu chuyện rớt giá, bỏ mía như đã từng xảy ra.

Bài Viết Liên Quan