Thấm thoát đã gần 20 năm trôi qua, tôi gắn bó cả thanh xuân với mảnh đất Bình Thuận đậm tình người.
1. Đối với một gia đình nông dân ở dải đất miền Trung nghèo khó như tôi, kinh tế chỉ đủ ăn đã mừng, nói chi đến khá giả. Vậy mà vào thời điểm ấy (khoảng năm 2003 – 2007), bố mẹ lại gồng gánh còng lưng, nuôi tôi tốt nghiệp được đại học. Với gia đình tôi, đó đã là thành công lớn, đánh đổi biết bao mồ hôi, nước mắt của bậc sinh thành, chỉ mong con nên người, thành đạt.
Chuyện học đã khó, nhưng ra trường tìm được việc làm mới là thử thách lớn đối với cả gia đình. Chuỗi ngày cầm hồ sơ đi xin việc sau đó khá mệt mỏi với những lời hứa, những điều kiện đưa ra nối tiếp. Nhưng kết quả là tôi vẫn chưa thể tìm kiếm được việc làm, vẫn ngày ngày ăn bám bố mẹ… Từng bao lúa chất đầy trong sân sau mùa thu hoạch có lẽ cũng chẳng thể “góp sức” giúp tôi tìm được một công việc ổn định tại quê nhà thời điểm ấy…
“Cháu gửi hồ sơ vào đây, rồi đi làm luôn!”, cuộc gọi điện từ vùng đất Bình Thuận ngược ra dải đất miền Trung lúc ấy mang đến sự “mát lành” nơi nắng hạn chờ mưa. Người gọi điện là cô H. tôi quen khá lâu trong một dịp tình cờ như… duyên tiền định. Tôi gọi cô là “quý nhân phù trợ” cho cuộc đời mình.
Quyết định xa gia đình, vào Nam lập nghiệp đối với một cô sinh viên mới ra trường nhút nhát như tôi khá khó khăn. Mẹ chắt bóp lận lưng cho tôi vài ba triệu, lo tiền xe cộ, chi phí ăn uống ban đầu nơi xứ người. Ánh mắt cay cay của những người thân nơi quê nhà khi tiễn tôi khiến lòng bồi hồi khó tả. Dì tôi còn trách khéo: “Đã đi xa nhà, sao con không chọn đến Sài Gòn, nơi thành phố lớn, mà lại chọn tỉnh lẻ nghe lạ lẫm để đặt chân?”.
Hôm ấy là một ngày đẹp trời, tôi bước chân lên xe khách Bắc – Nam đến với vùng đất Bình Thuận, nơi trước đó chưa từng đặt chân đến, nơi không có một bóng người là họ hàng thân thích. Đêm đến, sau hơn 20 tiếng hành trình, xe đi qua vùng đất với bạt ngàn ánh sáng đèn lung linh dọc hai bên đường quốc lộ. Đẹp quá! Tôi nghĩ thầm mà không biết nói chuyện cùng ai. Khi ấy, tôi được người ngồi bên cạnh chia sẻ rằng, đó chính là điện chong đèn thanh long trái vụ ở Bình Thuận, nét đặc trưng khó nơi nào có được… Thành phố đẹp thiệt, nhưng với tôi những ngày đầu chập chững bước chân đến mảnh đất này, cảm giác chông chênh, nhớ nhà vẫn không sao tả hết. Tôi được gia đình cô H. coi như con gái, ở trong nhà để làm quen môi trường sống, sau đó ít ngày mới lên cơ quan nhận việc.
Tôi bắt đầu sinh sống và làm việc tại thành phố biển Phan Thiết xinh đẹp, nơi có cát trắng, nắng vàng, có bãi biển trong veo uốn lượn bên hàng xương xanh rì rào. Thành phố nhỏ không ồn ào, đông đúc như những thành phố lớn như Biên Hòa, TP.HCM, cũng không quá tĩnh lặng như một số thành phố ở tỉnh khác mà tôi từng bước chân qua. Bình Thuận trong mắt tôi, khi ấy là một nơi có cảnh sắc thanh bình, giản dị, vừa “bình” vừa “thuận”. Hằng ngày, tôi khám phá vùng đất mới trên chiếc xe đạp, vắt vẻo đi qua cầu Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, nơi con sông Cà Ty chảy ngang, uốn lượn giữa lòng thành phố.
Tôi bắt đầu làm quen với những đồng nghiệp, tiếp xúc với những người dân nơi miền biển với giọng nói đặc trưng, thức ăn với vị “ngọt” vốn có và sự nhiệt tình, thiệt thà của họ. Dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của cô H. – “người mẹ thứ 2” đã giúp tôi làm quen với công việc hiện tại, cùng những anh chị thân thương nơi công sở nên tôi đã dần thích nghi với cuộc sống mới…
2. Thấm thoắt đã gần 20 năm trôi qua, tôi gắn bó cả thanh xuân với mảnh đất Bình Thuận đậm tình người. Vượt qua bao khó khăn, thử thách trong cuộc sống, gia tài lớn nhất hiện có là gia đình nhỏ và những người thân yêu tôi xem như chính gia đình mình. Người mẹ thứ 2 của tôi, cũng là người tôi coi như “quý nhân phù trợ” ấy dù nay đã có tuổi, nghỉ hưu, nhưng vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, giúp tôi vững tin hơn trong cuộc sống.
Gắn bó với Bình Thuận gần 2/3 chặng đường đời, tôi đã chứng kiến và cảm nhận sự đổi thay của vùng đất này sau chặng đường dài phát triển. Hơn 30 năm tái lập tỉnh, nay dáng dấp của đô thị hiện đại đã nên hình, nên dáng. Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam (phía đông) – đoạn qua địa bàn tỉnh đã được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác, cùng với chuỗi hoạt động năm du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh” đã tạo hiệu ứng tích cực, thu hút du khách và nhà đầu tư. Nhờ cao tốc, tuyến đường từ Phan Thiết – Bình Thuận đi vào các tỉnh miền Đông Nam bộ được rút ngắn khoảng cách, rộng đường kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa… Với tôi, do tính chất công việc, hàng ngày đều có cơ hội đặt chân đến nhiều vùng đất từ nông thôn đến đô thị trong tỉnh để không ngừng khám phá và thêm yêu mảnh đất tình người này.
Bố mẹ tôi ngoài quê thi thoảng vào nam thăm con gái, cũng là dịp để tìm đến sự ấm áp của khí hậu miền trong, thay thế cho mùa đông lạnh giá ở quê nhà. Người nhà tôi và nhiều bạn bè đi đến với Bình Thuận còn rất mê hải sản tươi ngon, và không quên về những trái thanh long thanh ngọt, sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, đặc trưng của vùng đất nắng gió. Bố mẹ mừng cho tôi khi hành trình chọn điểm đến lập nghiệp của con gái của gần 20 năm trước là sự lựa chọn đúng đắn, bởi đây xứng danh là một nơi đáng sống, đáng để du khách gần xa ghé về!