Tân Khánh là nơi tôi được sinh ra. Trải qua thời gian, làng quê Tân Khánh ngày nào nay đã khoác lên bộ áo mới “đô thị hóa” để trở thành phường Tân Phước Khánh, nằm trên địa bàn thành phố Tân Uyên, thuộc tỉnh Bình Dương.
Quang cảnh nơi chôn nhau cắt rốn của tôi tuy nay đã nhiều thay đổi, nhưng tôi vẫn nhớ hoài những câu chuyện xưa cũ kể về truyền thống hào hùng của quê hương.
Ngay từ thuở thiếu thời, khi còn học tiểu học, tôi đã từng nghe những thầy giáo dạy học cho tôi, ba tôi và nhiều người lớn tuổi khác ở Tân Khánh kể cho nghe về thế hệ người Việt từ Trung bộ vào khai phá vùng đất miền Đông Nam bộ từ khoảng đầu thế kỷ 17. Khi ấy, làng Tân Khánh của tôi và toàn khu vực miền Đông còn là rừng già trùng trùng điệp điệp. Bên cạnh cây cối chằng chịt, rừng Đông Nam bộ còn có đủ các loài thú hoang dã, trong đó đáng sợ nhất là loài hổ – đã từng sát hại biết bao sanh mạng của con người.
Thế nhưng bằng khối óc khôn ngoan và tinh thông võ thuật, những người đi khai hoang miền Đông Nam bộ ngày xưa ấy đã chiến thắng được thú dữ, diệt trừ nạn cướp bóc, mang lại sự bình an cho cộng đồng, tiến hành khai hoang lập ấp. Làng Tân Khánh đã ra đời từ đó, mưu cầu cuộc sống mới cho mọi người. Câu thành ngữ “cọp Bàu Lòng, Võ Tòng – Tân Khánh” (1) đã ra đời, ghi dấu chiến công đả hổ ở Bàu Lòng của người dân Tân Khánh được ví như chàng trai Võ Tòng đả hổ trong truyện Thủy Hử của Trung Quốc ngày xưa!
Đến giữa thế kỷ 19, làng Tân Khánh của tôi nổi lên câu chuyện về “bà Trà”. Đó là một người phụ nữ hào sảng, vốn là hậu duệ của một tướng lĩnh dưới triều Tây Sơn đã di cư vào miền Đông Nam bộ từ đầu thế kỷ 19. Một mặt bà Trà đã bỏ tiền của ra, huy động trai tráng khai hoang vùng đất rừng kế cận làng Tân Khánh để lập nên một làng mới mà mọi người gọi là làng Bà Trà (nay là phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Một mặt khác bà Trà truyền dạy võ thuật Tây Sơn cho thanh niên nam nữ ở địa phương để tăng cường khả năng chiến đấu bảo vệ thôn làng, đồng thời bổ sung lực lượng khai hoang lập ấp. Từ đó đã hình thành nên môn võ trên vùng đất mới, mang tên là Võ lâm Tân Khánh Bà Trà.
Nhưng sau khi bà Trà qua đời không lâu thì quân Pháp đã nổ súng tấn công và hạ thành Gia Định, rồi mở rộng khu vực chiếm đóng ra xung quanh. Làng Tân Khánh và làng Bình Chuẩn đã là nơi Phó Đề đốc Lê Quang Tiến chỉ huy quân đội triều đình bổ sung dân binh là những thanh niên giỏi võ chặn đánh quân Pháp vào tháng 4.1861, làm cho chúng phải lui quân (2). Sau đó, cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Võ Văn Nhâm lãnh đạo, cùng vòng thành đất dọc sông Thị Tính, với các căn cứ nghĩa quân bố trí từ Thủ Dầu Một, Rạch Tre lên tới Trảng Bàng, Tây Ninh.
Các bậc thầy võ kể rằng nhiều thanh niên giỏi võ của vùng Tân Khánh, bà Trà đã gia nhập nghĩa quân của Võ Văn Nhâm một lòng chống Pháp, đúng với câu “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”! (3). Đêm 12 tháng giêng năm Bính Thìn (1916), những chàng trai ở làng võ Tân Khánh – Bà Trà tham gia phong trào yêu nước Lâm Trung Trại đã tấn công vào Nhà Làng Tân Khánh, giải cứu nhiều thanh niên và đồng bào yêu nước bị giam giữ. Tuy nhiên, thủ lĩnh Hai Sở đã hiên ngang trước họng súng tử hình của Pháp, khiến nhiều người nể phục (4).
Từ khoảng năm 1919 – 1920 trở đi, làng võ Tân Khánh – Bà Trà đã tiếp đón nhiều nhà hoạt động yêu nước đến tập luyện võ nghệ với các bậc thầy dạy võ nổi tiếng của vùng đất này. Trước hết, có thể kể là chí sĩ Nguyễn An Ninh đã cùng với Phan Văn Hùm đến thọ giáo võ nghệ với thầy Võ Văn Trực (5). Sau đó là những nhà hoạt động cách mạng cũng từng học võ ở làng võ Tân Khánh – Bà Trà, như: Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Tiễng… Đặc biệt, năm 1966, giữa chiến sự diễn ra ác liệt, một người con của Tân Khánh – Bà Trà là Từ Văn Phước, chiến sĩ của trung đội trinh sát đặc công huyện Lái Thiêu (nay là thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), sau những chiến công dụng võ giết giặc, đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam khi anh vừa 31 tuổi (6)…
Bên cạnh đó, môn Võ lâm Tân Khánh Bà Trà cũng đã đào tạo nhiều môn sinh giỏi, đạt được nhiều thành tích trên võ đài trong nước và ngoài nước, cho nên ngày 3.2.2021, môn Võ lâm Tân Khánh Bà Trà đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều đáng ghi nhận là tính cho tới ngày 3.9.2023, trong cả nước Việt Nam, chỉ có 2 môn võ được công nhận di sản, là võ Bình Định và Võ lâm Tân Khánh Bà Trà. Là một người con của làng Tân Khánh, tôi luôn tự hào về truyền thống của môn võ miền Đông – Võ lâm Tân Khánh Bà Trà – đã góp phần tạo nên hào khí “miền Đông gian lao mà anh dũng”.
(1) Lưu Linh Tử (1962), Cọp Bàu Lòng, Võ Tòng – Tân Khánh, đăng trên Tạp chí Phổ Thông, số 79, ngày 1.5.1962, Sài Gòn.
(2) Nguyễn Trí (2013), Vị hổ tướng Nguyễn triều gióng tàu ra bể đông, đăng trên Tạp chí Sông Hương ngày 27.9.2013.
(3) Đặng Văn Hiền (2012), Võ Văn Nhâm với vòng thành đất trong thời kỳ đầu chống Pháp ở Nam bộ, đăng trên website Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương, ngày 25.7.2012.
(4) Gia Nguyễn (2021), Huyền thoại Lâm Trung Trại (kỳ 2): Khí phách của những vị anh hùng thà chết không chịu khuất phục, đăng trên Báo Pháp Luật Việt Nam ngày 8.6.2021.
(5) Hồ Văn Tường (2019), Nhấp chén trà xuân, kể chuyện Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùng học võ Tân Khánh – Bà Trà, đăng trên website Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương ngày 28.1.2019.
(6) Nguyễn Chí Thanh (2012), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Từ Văn Phước: Dũng cảm, mưu lược trong từng trận đánh, đăng trên Báo Bình Dương ngày 30.7.2012.