Từ nhỏ cha mẹ đi làm ăn xa nên tuổi thơ tôi là những ngày tháng sống trong vòng tay của ngoại, bà ngoại tuy đã bảy mươi ngoài nhưng rất say mê nghệ thuật , thích ca hát đặc biệt là “cải lương tuồng cổ”.
Trên đời này đâu chỉ có Doraemon mới có bửu bối mà ngoại tôi cũng có, đó là cái máy cassette để nghe vọng cổ. Tôi khôn lớn từ những chiếc bánh của ngoại, bánh bông lan của ngoại là ngon nhất. Những khi vắng khách ngoại thường mở vọng cổ để nghe nào cô Mỹ Châu, Út Bạch Lan, Lệ Thủy, chú Minh Cảnh, Tấn Tài, Kim Tử Long… Vở cải lương “ruột” ngoại thường nghe là Cô bán đèn hoa giấy của cô Lệ Thủy. Những buổi trưa hè tôi thường được ru ngủ từ những vọng ca tài danh thuở ấy thế rồi không biết từ lúc nào máu mê cải lương tuồng cổ nhiễm từ ngoại sang tôi thuộc thế hệ Gen Z mà mê cải lương nhiều lúc thấy mình chả khác nào “ông cụ non”.
Cây đờn kìm cách điệu lớn nhất, biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu |
trần thanh phong |
Ngoài những giờ buôn bán ngoài chợ những ngày cuối tuần ngoại thường dẫn tôi đến nhà văn hóa của xã. Nơi đây có các ông, bà, cô, bác trong cùng hội người cao tuổi với ngoại hội thường tổ chức đờn ca tài tử giao lưu, ai cũng hát hay, đàn giỏi tưởng không chuyên mà chuyên không tưởng. Ông bà thì say mê ca hát tôi ngồi dưới hàng ghế khán giả để thưởng thức lâu lâu thiếu vai con nít Nghi Xuân, Tấn Lực là tôi bất đắc dĩ được tín nhiệm làm diễn viên nhí.
Năm 2005 hội người cao tuổi ở Bạc Liêu có tổ chức hội thi đờn ca tài tử giao lưu giữa các hội viên. Ngoại cùng một số ông bà khác đại diện Tây Ninh xuống miền Tây để tham gia tôi cũng có cơ may xuống Bạc Liêu với ngoại vì trong vở diễn cần một đứa bé lần đầu tiên du lịch, lần đầu tiên biết đến miền Tây.
Trong trí tưởng tượng của một đứa bé lên 8 lúc đó các tỉnh miền Tây trong tôi rất đẹp thơ mộng với những dòng sông chở nặng phù sa, đàn cò trắng chao liệng trên đồng ruộng mênh mông bát ngát và những chiếc ghe đầy hàng hóa tấp nập trên sông như tôi thường được học trong sách vở. Đoàn xe dần vào địa phận thành phố Bạc Liêu trước mắt tôi hiện ra hình ảnh như cánh chim có dòng chữ “Bạc Liêu kính chào quý khách”. Ngày đầu tiên đoàn đến khách sạn Bạc Liêu – Sài Gòn để nghỉ ngơi và chuẩn bị phục trang, tập dượt cho hội diễn tối tại nhà văn hóa thành phố Bạc Liêu được truyền hình trực tiếp. Hội diễn bắt đầu anh MC bước ra:
– Kính thưa quý vị và bây giờ là tiết mục của đoàn từ Sóc Trăng với vở Bóng hồng sa mạc rồi đến đoàn từ Long An với vở Tô Ánh Nguyệt.
Một lúc sau là thời điểm tôi lần đầu tiên được tỏa sáng trên sân khấu miền Tây khi MC giới thiệu đến lượt chúng tôi. Đoàn Tây Ninh với vở Quan Âm Thị Kính. Tôi vào vai con của Thị Kính khá ngọt được cô bác khen ngợi kẹp tiền vào hoa giấy lên tặng tôi nhưng nói thật lần đầu tiên diễn trước cả ngàn khán giả tôi run bần bật toát mồ hôi. Cuối cùng hội diễn kết thúc tốt đẹp đoàn Sóc Trăng giải nhất, Tây Ninh giải nhì, Tiền Giang giải ba. Cuối ngày cả đoàn quyết định tá túc tại nhà dân luôn đoàn chúng tôi được chú tư Miên đờn kìm tại đoàn Bạc Liêu mời về nhà nhậu rượu đế, ăn gỏi vịt các ông, các bà chén chú chén anh ca các trích đoạn cải lương.
Chú tư Miên nói:
– Bữa nay anh chị em mình ngồi nhậu trên tấm chiếu trước hiên nhà nên tui hát trích đoạn Tình anh bán chiếu của cậu mười Út Trà Ôn.
“Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kênh ngã bảy
Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào
Cửa vườn thưa cô đã khóa kín từ hôm nào“…
Cô sáu Lành nói:
– Nhà tui xóm trên chuyên làm chày với cối đâm tiêu nên bữa nay tui góp vui Tiếng chày trên Sóc Bom Bo của Thanh Kim Huệ.
“Tiếng ai thấp thoáng dưới trăng
có phải anh giải phóng quân về thăm xóm nhỏ
Để nhớ lại ngày nào Sóc Bom Bo còn mịt mờ trong khói lửa
người Bom Bo sống giữa căm hờn“.
Tiếng đờn, tiếng ca vang rộn cả xóm thức tới khuya… Còn tôi được nghe nhạc miễn phí trên tay cầm cái đùi vịt chấm muối ớt xanh.
Ngày thứ hai tại thành phố Bạc Liêu đoàn chúng tôi được chú tư Miên dẫn đi tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại đây. Đầu tiên là cánh đồng turbine gió tại xã Vĩnh Trạch Đông – Bạc Liêu. Đây là địa điểm tham quan nổi tiếng của thành phố và cả Tây Nam bộ. Tôi phải hét lên khi tận mắt chứng kiến sự hoành tráng của cánh đồng này với những chiếc turbine cao đến 80 m cung cấp điện gió cho thành phố Bạc Liêu thật hoành tráng và bắt mắt. Tôi ngỡ như mình đang đứng tại một quốc gia châu Âu xa lạ không phải miền Tây Nam bộ. Thật khâm phục những kỹ sư đã thiết kế cánh đồng turbine này.
Địa điểm tham quan thứ hai tại nhà công tử Bạc Liêu. Đây là nơi chúng tôi muốn đến nhất. Ngôi nhà tọa lạc tại đường Điện Biên Phủ. Nhà mang kiến trúc phương Tây khá bề thế được người dân nơi đây gọi là “nhà lớn”. Khi bước chân vào ngôi nhà cả đoàn chúng tôi ai ai cũng có chung một cảm giác thân quen lạ thường như những người con xa xứ về thăm lại quê hương. Bất giác một ai đó hát lên:
“Nghe danh công tử Bạc Liêu
đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu“.
Tôi ngơ ngác nhìn sang hỏi ngoại:
– Ngoại ơi! Đốt tiền nấu trứng là sao ạ?
Ngoại mỉm cười rồi nói:
– Câu hát thể hiện sự giàu có của công tử Bạc Liêu nhiều tiền đến mức đốt tiền nấu trứng con à.
Cuối cùng đoàn chúng tôi đến tham quan khu mộ của cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu, tác giả bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng của nghệ thuật cải lương xưa.
“Từ là từ phu tướng
báu kiếm sắc phán lên đàng
Vào ra luống trông tin nhạn
năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
cho gan vàng quặn đau í a“.
Tại đây còn là nơi chôn cất mộ vợ ông là bà Nguyễn Thị Tấn. Hai ngôi mộ nằm cạnh nhau trong khuôn viên rộng rãi thoáng mát. Đoàn chúng tôi được những cô hướng dẫn viên truyền lại tiểu sử của vị nhạc sĩ tài hoa và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Dạ cổ hoài lang nổi tiếng. Các cô bác đồng thanh hát lại bài vọng cổ này để tưởng nhớ ông. Tôi cũng bập bẹ góp giọng vài câu, tôi thấy được bản phác thảo của bài vọng cổ và những kỷ vật còn mãi với thời gian của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Với tôi đây là những kỷ niệm đẹp đáng quý trong đời được về Bạc Liêu – cái nôi của đờn ca tài tử.
CLB Đờn ca tài tử vùng nông thôn Bạc Liêu |
PHAN THANH CƯỜNG |
Cuối ngày đoàn chúng tôi tạm biệt chú tư Miên và đoàn Bạc Liêu về lại Tây Ninh cô sáu Lành dúi vào tay tôi túi bánh củ cải rồi nói:
– Con mang về ăn lấy thảo nghen, cô sáu cho đặc sản Bạc Liêu đó con.
Tự nhiên cô sáu khóc làm tôi muốn khóc theo cô, Tôi bỗng thấy buồn buồn khi xa nơi này, xa miền Tây, xa những con người chất phác, dễ thương, hiền hậu. Bạc Liêu ơi, miền Tây ơi xin cho tôi gửi lại vài câu hát:
“Cho nhắn gửi Bạc Liêu mấy lời
sông có cạn lòng không đổi dời
Dù đi xa trăm hướng
ai người thấu nỗi hoài hương
Bạc Liêu thương quá hình bóng quê nhà“.