Rau lang vườn nhà, om với cơm mẻ lọc bã và mắm tôm là món ăn Hà Nội đậm nồng hương vị quê hương.
“Món ăn Hà Nội vốn rất nhẹ nhàng thanh tao nhưng thi thoảng có những món cũng khá là đậm nồng hương vị”, chị nói về món rau lang om mẻ mắm tôm. Món ăn mà sau gần nửa thế kỷ chị mới gặp lại chính trong căn bếp của mình.
Người đi xa nhớ món quê nhà rau lang om mẻ |
Cao Thị Nga |
Anh chồng người Đức của chị không phản ứng gì, chỉ lặng lẽ đi bật máy hút mùi. Đương nhiên rồi, cái hương vị mắm tôm đến một số người Việt còn không chịu nổi, huống hồ là anh. Nhưng anh yêu và tôn trọng chị, yêu cả cái nỗi niềm đau đáu nhớ thương về xứ sở của vợ mình.
Món ăn ấy đã gợi nhắc cho chị về một thời khốn khó cùng những bữa cơm mẹ nấu. Tuy chỉ là món rau cỏ bình thường nhưng cũng đòi hỏi ở người nội trợ rất nhiều sự khéo léo và tinh tế. Bây giờ mẹ đã đến một nơi rất xa thì món rau lang om mẻ đối với chị không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là một kỷ niệm nữa.
Giữa xứ người, việc mua được thứ gia vị đặc trưng miền Bắc của Việt Nam như cơm mẻ là điều vô cùng khó khăn, thậm chí tự làm cũng không thể lên men vì không hợp khí hậu. Chị đã thay thế bằng cách ủ cơm lúa mạch với rượu vang nho cho vị cũng gần tương tự.
Rau lang vườn nhà, mắm tôm được một người bạn gửi sang cho, tỏi thì có sẵn. Vậy là đủ tất cả những gia vị cho chị trở về miền kỷ niệm ắp đầy nhớ thương.
Chị nói, rau lang cần ngắt bỏ phần xơ già, bỏ bớt lá. Chần rau trong nước sôi có pha chút muối, sau đó nhúng qua nước lạnh để tạo độ giòn và giữ màu xanh. Phi thơm tỏi với dầu ăn (mỡ lợn là ngon nhất), trút cà chua bổ cau vào đảo nhanh, cho rau vào và nêm nhạt. Khi rau chín cho tiếp nước cơm mẻ đã lọc bỏ bã, đảo thêm một lúc cho ngấm, trước khi tắt bếp nêm thêm một thìa mắm tôm, trút nốt chỗ tỏi bằm còn lại vào và lấy ra ăn ngay khi còn nóng cùng với cơm.
Tuy chưa được ăn bao giờ nhưng tôi vẫn thấy tưa nước miếng khi nghe tiếng xuýt xoa của chị. Nào rau còn xanh mướt, điểm xuyết những miếng cà chua đỏ hồng. Rau chín mềm mà vẫn giữ độ giòn, vị mẻ chua dịu, mắm tôm đượm nồng, mùi tỏi thơm cay quyến rũ. Anh chồng “Tây” của chị tuy nhăn mày bịt mũi nhưng khi được chị “dụ dỗ” nếm thử một miếng mà cũng phải gật gù khen.
“Chị sẽ cho công thức làm chuẩn vị của mẹ và chị gái chị ngày xưa. Sống giữa Hà Nội mà không biết món này là có lỗi đó em nhé!”, chị đã nói như thế khi tôi than hình như bây giờ ít ai ăn rau lang om mẻ, cả ở nhà hàng cũng không thấy.
Có lẽ đối với tôi và mọi người ở đây thì đó là một thứ quá đỗi bình thường. Nhưng với chị, một người phụ nữ Hà Nội đã sống và làm dâu non nửa đời người trên đất khách thì món ăn đó đã trở thành một nỗi nhớ mang sắc màu xứ sở.