Đồng thời, cả hai quốc gia đã đồng ý giải quyết các vấn đề hóc búa, bao gồm các vấn đề tiếp cận thị trường liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể, Ấn Độ đã đồng ý cho phép nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn của Hoa Kỳ như một phần của thỏa thuận thương mại song phương, đổi lại, Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Ấn Độ xuất khẩu xoài và lựu vào thị trường.
“Việc Ấn Độ lần đầu tiên đồng ý cho phép nhập khẩu thịt lợn của Hoa Kỳ là một tin tuyệt vời đối với các nhà sản xuất Hoa Kỳ và người tiêu dùng Ấn Độ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để tăng cường mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ – Ấn Độ và tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ trưởng Goyal trong việc tạo điều kiện cho sự phát triển quan trọng này”, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết trong một tuyên bố.
Theo bà, Washington sẽ tiếp tục hợp tác với New Delhi nhằm đảm bảo ngành công nghiệp thịt lợn của Hoa Kỳ sớm mang đến những sản phẩm có chất lượng cao đến người tiêu dùng Ấn Độ.
Năm 2020, Hoa Kỳ là nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ ba thế giới và nhà xuất khẩu thịt lợn lớn thứ hai, với doanh thu toàn cầu của thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trị giá 7,7 tỷ USD. Trong năm tài chính 2021, Hoa Kỳ đã xuất khẩu hơn 1,6 tỷ USD nông sản sang Ấn Độ.
Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack nói rằng thỏa thuận này đánh dấu thành tựu đỉnh cao của nỗ lực làm việc gần hai thập kỷ nhằm giành được quyền tiếp cận thị trường cho thịt lợn Hoa Kỳ sang Ấn Độ. Mặc dù ngày nhập khẩu trở lại vẫn chưa được biết, nhưng việc vận chuyển thịt lợn Hoa Kỳ sang Ấn Độ sẽ sớm bắt đầu.
Tương tự, Ấn Độ sẽ bắt đầu xuất khẩu xoài, bắt đầu với loại xoài Alphonso sang Hoa Kỳ trong mùa vụ mới bắt đầu vào tháng 3/2022.
“Người tiêu dùng ở Hoa Kỳ giờ đây sẽ được tiếp cận với những quả xoài chất lượng tuyệt vời từ Ấn Độ. Việc xuất khẩu xoài của Ấn Độ đã bị Hoa Kỳ hạn chế kể từ năm 2020 do các thanh tra của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) không thể đến Ấn Độ kiểm tra các cơ sở chiếu xạ (do các hạn chế áp dụng đối với du lịch quốc tế vì đại dịch Covid-19)”, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
Theo một thỏa thuận khung được ký gần đây, Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ tuân theo nghị định thư chung về chiếu xạ đối với xuất khẩu xoài và xuất khẩu lựu của Ấn Độ sang Hoa Kỳ và nhập khẩu quả anh đào và cỏ linh lăng từ Hoa Kỳ.
Một kế hoạch làm việc sửa đổi đã được đưa ra, bao gồm chuyển giao giám sát từng giai đoạn “xử lý chiếu xạ trước khi thông quan cho Ấn Độ theo thỏa thuận giữa cả hai quốc gia”.
Ấn Độ đã xuất khẩu 800 tấn xoài sang Hoa Kỳ, với kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị 2,75 triệu USD trong năm tài chính 2018. Tương tự, trong năm tài chính 2019, 951 tấn xoài trị giá 3,63 triệu USD đã được xuất khẩu và 1.095 tấn xoài trị giá 4,35 triệu USD đã được gửi đi trong năm tài chính 2020.
Theo ước tính từ các nhà xuất khẩu, xuất khẩu xoài trong năm 2022 có thể vượt qua con số của niên vụ 2019-20, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết.
Sự chấp thuận của USDA sẽ mở đường cho xuất khẩu từ các vành đai sản xuất xoài truyền thống như Maharashtra, Uttar Pradesh và Andhra Pradesh và Telangana.
Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Sản phẩm Nông nghiệp và Thực phẩm Chế biến (Agricultural and Processed Food Products Export Development Authority – APEDA) cho biết điều này cũng sẽ tạo cơ hội cho việc xuất khẩu các loại xoài ngon khác từ miền Bắc và Đông Ấn Độ như Langra, Chausa, Dushehri, Fazli,… từ Uttar Pradesh, Bihar và Tây Bengal.
Việc xuất khẩu lựu sẽ bắt đầu từ tháng 4 và xuất khẩu cỏ khô Alfalfa và anh đào từ Hoa Kỳ sẽ bắt đầu vào tháng 4/2022.