Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện tràn lan những clip biến tấu, “thưởng thức” món ăn một cách quái gở, dị hợm nhằm câu view, tăng tương tác: Liệu đây có phải kiểu “content bẩn” cần được loại bỏ trước khi nền ẩm thực bị phá hoại?
Trong những năm gần đây, mạng xã hội đã trở thành sân chơi màu mỡ cho việc sáng tạo nội dung, đặc biệt là trong lĩnh vực ẩm thực. Tuy nhiên, không ít người sáng tạo nội dung và cả người dùng mạng xã hội đã lựa chọn con đường tạo ra những content ẩm thực dị hợm, biến tấu không giới hạn chỉ để thu hút sự chú ý và câu tương tác một cách thô thiển.
Đáng buồn thay, thay vì quảng bá ẩm thực truyền thống một cách lành mạnh và chân thực, họ lại chạy theo lợi nhuận bằng cách sản xuất ra những nội dung phản cảm, thậm chí là “phèn” và “bẩn”. Điều này không chỉ làm méo mó hình ảnh của những món ăn địa phương, mà còn tạo ra một hướng tiêu dùng không lành mạnh trong cộng đồng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến văn hoá ẩm thực và thị hiếu của công chúng.
Muôn vàn biến tướng món ăn từ dị hợm đến… kinh hoàng
Trà sữa hành lá
Trà sữa, thức uống ngày nào cũng trở thành niềm tự hào của giới trẻ, giờ đây lại bị biến tấu thành những trải nghiệm mất lòng. Mặc kệ sự phản cảm trong việc pha trộn giữa cái ngọt của trà sữa với vị hăng của hành lá, các nhà sáng tạo nội dung không ngần ngại nhảy vào cuộc đua làm mưa làm gió trên mạng xã hội với những “siêu phẩm” cả gan định hình xu hướng mới. Họ không hiểu hay cố tình phớt lờ rằng, sản phẩm của họ không chỉ gây tranh cãi mà còn là một nghịch lý đối với vị giác. Sự kết hợp giữa trà sữa và hành lá – một cú sốc khẩu vị thực sự, lại càng trở thành công cụ để thu hút sự chú ý, một chiêu trò rẻ tiền nhằm mục đích thu lượt xem, tăng lượng follow hay thúc đẩy doanh số một cách mù quáng.
Có lẽ điều đáng buồn cười nhất là dù biết rõ sự pha trộn trái ngược giữa trà sữa ngọt ngào và hành lá thái sống là một sự “xúc phạm” đối với ngành ẩm thực, nhưng vẫn có lượng lớn kênh review, Tiktoker không ngần ngại hiến thân thử nghiệm, quay clip và rêu rao về ‘trải nghiệm’ này. Họ đua nhau thản nhiên giới thiệu vị giác bị thách thức này như một trò chơi, không nghĩ đến hậu quả của việc khuyến khích một thói quen tiêu dùng không chỉ đáng ngờ về mặt sức khỏe mà còn sự xuống cấp trong gu thưởng thức.
Cũng liên quan đến hành lá, nhưng không phải trà sữa hành lá mà đó là phiên bản bánh kem hành lá. Và đương nhiên, kiểu “phá cách” này cũng thu hút không ít Tiktoker review và đều nhận về “trái đắng”. Đối với họ hương vị có thể khủng khiếp nhưng bên cạnh đó có thể thu về được lượng lớn người xem.
Cà phê sữa trứng bắc thảo
Không nằm ngoài cuộc đua thử nghiệm thức uống độc đáo, cà phê sữa trứng bắc thảo cũng là một thức uống khiến nhiều người vừa nghĩ đến nguyên liệu kết hợp đã thấy tào lao.
Chỉ cần gõ cụm từ cà phê sữa trứng bắc thảo sẽ thấy hằng hà sa số những clip review, clip hướng dẫn cách làm cà phê trứng bắc thảo để giải tỏa stress khiến không ít người cảm thấy sợ hãi.
Không ít Tiktoker thấy cà phê sữa trứng bắc thảo lên xu hướng tìm kiếm đã thử làm và review hương vị. Như Tiktoker P.C.L chia sẻ: “Mùi trứng bắc thảo đã tanh còn thêm cà phê nữa… Trứng có lớp cà phê vào kỳ lắm mọi người” (kèm những tiếng ọe liên tục).
Ngay phía dưới video là những bình luận kinh hãi của cư dân mạng. Chưa kể đến, từ năm ngoái, trào lưu thử trà sữa hột vịt lộn, trà sữa trứng bắc thảo cũng đã rộ lên. Cũng có Tiktoker nọ thử review trà sữa trứng bắc thảo và khen ngon, ăn như bánh flan. Mặc dù vậy, cư dân mạng vẫn bày tỏ nghi ngờ và không tốt cho tiêu hóa.
Bún bò kem tươi
Một phiên bản biến tấu “đáng sợ” khác như bún bò kem tươi cũng được nhiều người học theo Tiktoker mua kem tươi về thử nghiệm ăn với bún bò.
Ngoài ra còn rất nhiều các món ăn được “phá cách” khác như nước rau má xoài non mắm ruốc, phô mai con bò cười dầm nước mắm ớt,…
Mạnh tay tẩy chay những kiểu nội dung “rác” gây ảnh hưởng đến ẩm thực
Mỗi món ăn, thức uống được sinh ra không chỉ để thỏa mãn vị giác, bắt mắt mà còn đảm bảo yếu tố dinh dưỡng, chưa kể đến tinh thần văn hóa gửi gắm trong món ăn đó. Các món ăn biến tướng tràn lan trên mạng xã hội hiện nay, được những người làm review và các Tiktoker cổ xúy chính là hành vi vô trách nhiệm, đang từ từ xói mòn đi bản chất đích thực của nghệ thuật ẩm thực.
Một phiên bản sáng tạo ẩm thực nhưng lại được nhiều người ủng hộ, đó là phiên bản “trà sữa phở” có đầy đủ “bánh phở, hành lá, thịt bò Kobe, ớt” và dùng trà sữa thay nước lèo. Thực chất, tất cả cả nguyên liệu làm nên bát phở này là thạch.
Trước những “thảm họa ẩm thực” đầy rẫy trên mạng xã hội, những pha trộn món ăn tự phát không kiểm soát như việc pha trộn mắm ruốc với nước rau má, bún bò với kem tươi, hay trứng bắc thảo với sữa tươi và cà phê là những sự kết hợp từ hành động “mù quáng”, không những làm tùy tiện với từng nguyên liệu mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người.
Món “trà sữa phở” lan tỏa những năng lượng tích cực, thú vị cho cư dân mạng. Bên dưới, nhiều người ủng hộ vì sự sáng tạo dễ thương này: “Thà làm như vậy đi vừa sáng tạo vừa dùng được, chứ trà sữa hành lá thật thì chê nha”,…
Sáng tạo trong ẩm thực là điều nên được khích lệ, nhưng nó phải được xây dựng trên nền tảng vững chắc của kiến thức, sự tôn trọng nguyên liệu và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Việc tùy tiện biến tấu món ăn, đồ uống thành những kiểu dị hợm cần được tẩy chay mạnh mẽ để bảo vệ sự trong sáng của ẩm thực cũng như được cộng đồng đón nhận và mang ý nghĩa tích cực sẽ thú vị hơn nhiều.