Tôi không phải người Tây Ninh, cũng chưa bao giờ đặt dấu chân đến đây. Nhưng lòng lại ghi nhớ vùng đất này chỉ qua một cụm từ rất dung dị mà chứa chan nghĩa tình: muối Tây Ninh.
Ngày mẹ tôi còn theo nghề bán nem chả, tôi hay thấy mẹ mua rất nhiều loại muối này về bán kèm với cóc ổi. Mẹ nói: “Người ta thích chấm loại đặc sản này con à, nó ngon cực kỳ, không gì bằng, ai đến Tây Ninh chơi khi về đều mua nó làm quà biếu tặng”.
Kỳ thật. Tôi nghĩ mãi không ra. Một thứ đơn giản như thế ở đâu chẳng làm được, có gì đặc biệt đâu. Nhưng quan sát kỹ, tôi phát hiện muối này có màu vàng cam trông thật bắt mắt nhờ sự kết hợp trộn hòa giữa ớt và tôm. Nét thẩm mĩ là điều ghi điểm – lưu ấn tượng đầu tiên trong tôi.
Đến đoạn mở hũ muối ra phảng phất trong gió là hương thơm nhẹ nhàng của tôm hòa quyện với chút cay nồng của tỏi, ớt không lẫn vào đâu được cứ bay chờn vờn trước mũi, hít ngửi mê mẩn. Trong khi đó, vị giác lên cơn thèm, nước miếng tự nhiên được nuốt ừng ực. Chịu không nổi, tôi đổ một ít ra đĩa rồi đưa tay chấm mút, không cần ăn với thứ gì cả. Hết miếng này tới miếng khác ghiền khỏi chê. Miệng chắp chắp liên tục, lưỡi quẹt bờ môi không thôi. Ngon quá là ngon. Thật hấp dẫn.
Tôi cảm nhận trong muối tôm Tây Ninh có đủ vị mặn – cay – ngọt. Mỗi vị điểm một nét riêng vừa phải không quá gắt, quá nồng đem lại cảm giác thưởng thức dễ chịu và thích thú. Tôi len lén mẹ trộm vài miếng ổi chấm với muối, bỏ vào miệng, càng thấy thêm tuyệt vời. Hạt muối hòa với lát ổi cắn phát nào ra âm giòn tan phát đó. Bấy giờ mới cảm rõ từng vị. Ngọt chua từ ổi xen cùng mặn cay vị đặc trưng từ muối Tây Ninh còn đường nào chê nữa đâu. Chẳng trách sao người ta ghiền đến vậy.
Mẹ nói khi muối ngả màu không phải nó hư mà là do tác động bởi không khí. Chỉ muối nguyên chất mới vậy. Không sai. Theo tìm hiểu, tôi biết nguyên liệu làm nên món muối đặc sản được chọn lựa kỹ càng từ những thứ ngon nhất và tinh khiết nhất nên sau chế biến cho ra sản phẩm ngon đúng điệu, chất chính hiệu, quyến rũ bao tâm hồn ăn uống. Có lẽ vậy mà màu càng sẫm màu muối càng đậm đà y như nó cô đặc lại vậy. Nên nếu thấy vậy mà bỏ đi thì thật uổng phí. Tôi chợt vỡ lẽ ra rằng thưởng thức một thứ gì đó phải hiểu sâu sắc đến từng đặc điểm nhỏ nhất. Đó mới gọi là yêu thích, là sành ẩm thực vùng miền.
Muối Tây Ninh từ ban đầu gắn với những bữa ăn chay của người theo đạo Cao Đài. Rồi nó len lỏi vào từng gia đình gốc nông buổi còn ăn chưa no co chưa ấm, thay thế thịt cá, ăn cùng cơm trắng đỡ đói. Muối gửi gắm cả nghĩa tình từ bàn tay các mẹ, các chị hậu phương đến từng cánh rừng chiến khu làm gia vị ăn cùng cơm nuôi sống bộ đội chiến đấu đánh giặc Mỹ.
Bây giờ muối Tây Ninh vượt ra khỏi giới hạn địa lý để có mặt trên những chiếc xe hàng rong bán trái cây, trên vỉa hè quán nhậu và cả trong nhà hàng sang trọng. Người ta dùng nó không đơn thuần chấm trái cây mà chấm cả hải sản và tẩm ướp thịt nướng, vô cùng thơm ngon. Đặc biệt là những năm gần đây, muối kết hợp với bánh tráng cho ra món ăn vặt bánh tráng trộn thu hút không ít tín đồ ẩm thực là giới trẻ. Trong những cuộc vui hội nhóm, sự hiện diện của món ăn như sợi dây gắn kết tình bạn, làm khoảnh khắc bên nhau thêm thú vị.
Từ muối tôm, một sự phát triển kéo theo các nghề truyền thống sẵn có như nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, nghề làm bánh tráng trộn, nghề làm vườn trái cây dưới chân núi Bà Đen. Tất cả hội tụ lại góp phần làm nên thương hiệu cho ngành du lịch Tây Ninh.
Tôi thật sự bất ngờ khi Tây Ninh không có nghề làm muối và đặc sản tôm vì không giáp biển. Vậy mà hai thứ ấy gặp nhau như duyên nợ, để rồi kết hợp ăn ý nhờ khối óc và bàn tay sáng tạo của người dân nơi đây, cho ra thứ muối tôm vươn tầm lên hàng đặc sản độc đáo chất chứa hương vị thuần quê làm điểm nhận diện quen thuộc khi nhắc đến Tây Ninh.
Muối tôm dung chứa cả một bản sắc với những giá trị liên quan tới tôn giáo, tín ngưỡng lâu đời của người dân “vùng đất Thánh”. Chất mặn mòi còn đại diện cốt cách người dân nơi đây – đầy nghĩa tình và thân thiện, luôn nở cười như mời gọi du khách bốn phương ghé thăm. Muối nồng nàn như tấm lòng chung thủy mãi sắt son yêu thương quê hương xứ sở của người dân bao đời, từ thuở xưa đánh Pháp kiên cường đến đuổi Mỹ gian lao rồi đoàn kết chống Pôn Pốt, quyết giữ gìn từng tấc đất, mái nhà. Muối đậm đà vì trong ấy kết tinh những giọt nước mắt cay đắng người dân khổ nghèo cần cù, chịu thương chịu khó, vượt qua mọi thăng trầm, ra sức lao động xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.
Bây giờ mẹ không còn bán cóc ổi nhưng thi thoảng muối Tây Ninh vẫn có mặt trong những đĩa trái cây tôi ăn. Mỗi lần ăn mỗi lần tấm tắc khen. Và trong cơn ngây ngất hương vị vu vơ, tôi tự hỏi: Không biết con gái Tây Ninh có đậm đà, mặn mòi như món muối này không! Có lẽ câu trả lời chỉ có khi mối duyên nợ đẩy đưa giai ngẫu cho tôi gặp một cô gái quê xứ ấy, như muối với tôm sánh kết một đôi. Chẳng biết ngày trai xứ Quảng hạnh ngộ gái Tây Ninh có đến không… Thôi thì hãy cứ mơ đi rồi có duyên đời sẽ đẹp như mộng thôi.