Vì cuộc sống, gia đình tôi có dịp qua lại và cư ngụ ở vài tỉnh miền Tây. Nơi tôi quyến luyến nhất là Trà Vinh .
Thời ấy, Trà Vinh là thị xã, được gọi bằng hai tên khác nữa: Vĩnh Bình và Phú Vinh, có ngôi chợ mang tên Chợ Phú Vinh.
Trà Vinh cũng cho tôi một tuổi thơ an bình… |
tín di |
Nhà cửa, đường sá mang dáng dấp kiến trúc của Pháp. Những con đường trong thành phố đều bắt đầu bằng một cây dầu. Tiếp đó là hàng cây sao cao vút cách đều nhau dọc hai bên đường. Những cây sao đó mang cho anh em chúng tôi trò giải trí mỗi lần bị mưa gió giam chân trong nhà. Khi có gió mạnh, những bông sao màu vàng dịu tựa hoa cau, rơi xuống xoay tròn như chong chóng. Chúng tôi cùng vỗ tay, reo lên: nhảy dù, nhảy dù. Hàng cây sao cũng thường là nơi cò và diệc đến trú ngụ, rồi vô tình thả những bợn phân chim lên khách đi đường.
Những biến đổi của dòng đời cũng như của lịch sử xô đẩy về đây các sắc dân khác nhau: Hoa, Khmer, Kinh, một số ít người Xiêm (Thái Lan), qua bao lần giao thoa văn hóa đã cùng hình thành bản sắc của vùng. Di tích là ngôi chùa người Miên nằm giữa lòng phố gần nhà tôi. Cây cảnh bên trong sân chùa tạo vẻ u linh trầm mặc, khơi gợi đời sống tâm linh, khiến người ta kính cẩn lúc đối diện. Mỗi lần đi ngang chùa, trẻ con có đứa dở mũ nón xuống. Hoặc có việc gì đi ngang chùa vào ban đêm, chúng tôi thỉnh thoảng ù chạy khi những ý tưởng thần bí nhen nhóm trong trí.
Qua những câu ca truyền khẩu, người ta mường tượng được cuộc sống địa phương.
“Trà Vinh có bún nước lèo,
Có chùa Ông Mẹt, ao đào Bà Om,
Có đình thờ vía Quan Công,
Ðền thần Hiếu Tử thờ Trần Trung Tiên”.
Những tập tục sinh hoạt hằng ngày, ngôn từ, các món ăn… kể cả cách đi lại bằng xe lôi; người lái ngồi trước, khác với xích lô; người lái ngồi sau, là những điều lạ lẫm với gia đình tôi.
Hôm nhà tôi được tặng cặp sầu riêng, cả mấy chị em rất háo hức. Mùi sầu riêng thoát ra thoang thoảng từ vỏ dày đầy gai cứng làm thơm ngát cả nhà. Cơm trưa vừa xong, một trái được xẻ ra. Chúng tôi dội ngược lại vì cái mùi nồng đến nhức đầu của loại trái cây này. Bao nhiêu thèm thuồng cũng bay theo. Không ai ăn được. Tiếc của, mạ tôi đem cất cả hai trái vô garde-manger (tủ đựng thức ăn). Giờ nghỉ trưa, tôi rủ đứa em gái xuống bếp mở tủ ra ăn vụng. Chúng tôi cứ dích từng chút từng chút nếm thử. Dần dần, khi đã quen với mùi vị, hai anh em chốc chốc lại xuống ngắt một tí.
Trái diếc nữa, loại trái cây dành cho trẻ con, hình dáng giống như trái chà là, không thấy ở các vùng khác. Bên trong ruột có hột cứng màu đà nhợt. Ăn ruột xong, các bé gái rửa sạch các hột này để chơi búng hột diếc.
Đuông dừa, giống như con nhộng, to bằng ngón tay, cũng là món ăn đặc sản thuộc loại hiếm. Nhìn chúng ngo ngoe, người yếu tim không dám đụng đến chứ đừng nói ăn chúng. Tuy vậy, có cách ăn đơn giản nhất là chiên chúng với bột mì hòa nước.
Giao thoa văn hóa cũng thấy ở ẩm thực: bún nước lèo. Một món ăn rất phổ biến không chỉ ở Trà Vinh mà hầu hết khắp miền Tây.
Sáng tinh mơ, cùng tiếng rao lanh lảnh của anh thanh niên bán bánh mì dạo trên chiếc xe đạp, gánh bún xuất hiện ở xóm tôi. Nước lèo được nấu từ cá lóc để chan vào tô bún, với rau sống ăn kèm. Ban đầu khó ăn vì mùi hơi hăng của một loại mắm được nêm vào khi nấu. Nhưng khi quen mùi vị, nó trở thành món ăn được ưa chuộng.
Cũng như bún nước lèo, ai đã từng sống ở miền Tây thì phải biết vọng cổ, cải lương. Nó như một loại hình nghệ thuật không chỉ vì giải trí mà còn là linh hồn. Tại nơi này, tôi bắt đầu biết ca được những câu ngắn có nhịp điệu luyến láy.
Thị xã nhỏ nhắn thỉnh thoảng không còn vẻ yên lắng vào buổi chiều khi tiếng loa quảng cáo của đoàn cải lương từ Sài Gòn xuống lưu diễn khắp miền Tây ghé lại. Nổi tiếng nhất có đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung, Kim Chưởng… với những vở cải lương khuấy động cảm xúc khán giả như: Thuyền ra cửa biển, Nước mắt thằng Gù… Cậu bé tôi chỉ mê những màn đấu kiếm và yêu mến chú Hề Minh mang bộ râu Sạc-Lô.
Vãn hát, thỉnh thoảng mạ tôi dẫn cả nhà đi ăn. Chợ buổi tối có những gánh bánh canh, chè, cháo…. Phía sau chợ có xe bánh quẩy, bánh tiêu với cái chảo to đầy dầu đang sôi của vợ chồng người Hoa. Bà địu đứa bé bị dị tật hai mắt sau lưng, vừa giúp ông bán bánh. Trong ánh đèn yếu ớt vàng vọt nồng mùi các-buya, họ lặng thinh làm công việc của mình. Tôi quan sát họ với lòng trĩu đầy thương cảm và không muốn dừng lại lâu.
Tính đa dạng của cuộc sống thị xã: có vui có buồn, có nhiệt tình chân thật… ẩn trong vẻ bình thản, hiền hòa của người dân nơi đây.
Tuổi thơ bên sân cây gòn
Trà Vinh cũng cho tôi một tuổi thơ an bình với sân cây gòn rợp bóng mát để chơi đùa cùng các bạn.
Nói tới thị xã Trà Vinh thời đó, không thể không nhắc tới sân cây gòn nằm ngay giữa lòng phố. Bên trong sân có một hồ bơi bỏ hoang của Pháp, thường được gọi là pít-xin (piscine). Sân rất rộng với những cây gòn lớn xum xuê những lá. Khi gió đến, cả ngàn lá lên tiếng xào xạc chào đón và mang tới những luồng khí mát thật khoan khoái. Vào mùa gòn ra trái, chúng tôi lấy gạch đá ném mà hiếm khi trúng rớt gòn. Nhưng với chiếc gậy đánh tổng, đứa khéo tay có thể nhắm cái cuốn và ném phạt ngang. Chiếc gậy từ tay nó bay vèo, cắt gọn cuống nối trái gòn với cành cây. Trái gòn rớt xuống, cả bọn xúm lại bẻ ra chia nhau. Trong lòng trái gòn có những hột màu trắng trong, bọng nước. Chúng tôi bóc lấy từng hột cho vô miệng nhai. Nước trong hột gòn vừa ngọt vừa chát. Nhai hột chán, cả nhóm xé bông gòn và thi nhau thổi chúng bay trắng trời, bay vô cả nhà chung quanh. Cả xóm một phen náo loạn vì trò nghịch ngợm này.
Mùa dế, chúng tôi đi quanh sân lùng bắt dế. Một con dế than đực có đôi cánh xù xì với hai đốm vàng ở hai bên vai là món quà mơ ước. Nghe tiếng gáy “rét … rét” vang lên, cả bọn dóng tai, căng mắt đi tìm. Dường như chúng có linh tính, khi bị rình rập thì chúng im thin thít. Lúc chúng tôi bỏ đi, tiếng gáy của chúng lại cất lên, đuổi theo như chọc tức. Hễ đứa nào thấy một lỗ hang, tức thì cả bọn phụ lại giúp. Đứa đào, đứa lấy nước đổ vào. Con dế bị ngạt nước trèo lên sẽ bị bắt cho đứa nhìn thấy lỗ hang trước. Chủ nhân của nó được chia vui bằng những lời phê bình, nhận xét tướng hình con dế. Và chuẩn bị cho cuộc thách thức thi đá dế của đứa khác một hôm nào đó.
Giờ đây, không biết các bạn tôi có còn ai không? Một lần trở lại Trà Vinh, tôi không còn thấy sân cây gòn nữa. Bao quanh nó là những bức tường lạnh lùng.
Tri thức của tôi lúc đó đang phát triển ở giai đoạn đầu đời, nên những sự việc được lưu giữ rất lâu trong ký ức và đã thành kỷ niệm. Nó lậm vào hồn rồi bất tử theo thời gian, khiến tôi không khỏi bùi ngùi mỗi khi nhớ đến.