Đồng Nai hiện diện đầu tiên trong tôi là nơi thường lui tới thăm người bạn thân mỗi kỳ nghỉ, lúc cần thư giãn. Từ mối lương duyên này, nơi ấy giờ trở thành nơi tôi an cư.
Tốt nghiệp đại học, tôi ở lại Sài Gòn một thời gian. Sau đó, khăn gói ra Bắc lập nghiệp nhưng ngay lập tức tôi lại trở vào Nam. Người bạn thân dẫn tôi đến Đồng Nai bằng một công việc phù hợp. Một năm sau, tôi trở lại Sài Gòn để học tập thêm chuyên môn.
Lần tái lập nghiệp thứ hai tại Đồng Nai là theo chồng chuyển công tác về đó. Ngày ấy, tôi đi qua Khu công nghiệp Long Bình (Loteco) nhìn vào văn phòng điều hành, mong được vào đó làm việc. Lời nguyện ước xẹt qua như sao băng. Vậy mà, điều đó đã thành sự thật. Ngày đầu tiên đi làm, tôi đứng ngay chỗ lần trước mong muốn nảy trong đầu, ngắm nhìn toàn cảnh văn phòng và thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một cơ duyên như nguyện ước.
Nhịp sống ở Đồng Nai hiền hòa, đều đặn. Tôi không quá tất bật chạy ngược xuôi đi làm, mưu sinh hay quay quắt, lo lắng vì quên tiền khi ra đường. Một người bán hàng ở chợ sẵn lòng bảo hôm nào có tiền trả cũng được. Con người ở đây tứ xứ tụ về kiếm kế sinh nhai. Họ rộng lượng với nhau cũng bởi đất Đồng Nai bao dung, sẵn sàng đón nhận mọi người. Chỉ cần chăm chỉ làm việc, chân chất sống thì Đồng Nai luôn là chỗ thích hợp cho bất cứ ai. Ở đây không hào nhoáng, xa hoa nhưng dễ sống, đồ ăn, thức uống tươi ngon nhưng giá cả không quá cao. Cuộc sống nhẹ nhàng và thương mến.
Về Đồng Nai, tôi thấy cuộc đời mình sang chương mới, đóng lại chương đầu nhiều ước vọng, lo toan. Tôi bước sang chương trưởng thành, ổn định nên phù hợp với mảnh đất Đồng Nai hay là mảnh đất này giúp tôi an cư, lạc nghiệp tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng, tôi đang thấy cuộc đời mình hoàn thiện dần những mảnh ghép còn lại và ổn định, bình an.
Ở Đồng Nai, tôi không mấy lo lắng chuyện kiếm việc làm. Bởi vì ở đây có nhiều khu công nghiệp. Tôi cảm thấy đó là “nồi cơm thạch sanh” cho những người muốn đến đây lập nghiệp. Khu công nghiệp giải quyết được việc làm cho những người trực tiếp lao động ở các nhà máy trong đó. Những người lao động trở thành người tiêu dùng, khách hàng cho tất cả mọi dịch vụ gắn với cuộc sống của họ: đất đai, nhà cửa, giáo dục, vui chơi giải trí… Một hệ sinh thái xã hội bao quanh để mọi người sống dựa vào nhau.
Năm 2023 là năm kinh tế khó khăn chung. Những nhà máy đóng cửa, giảm giờ làm khiến người lao động bị ảnh hưởng rất lớn. Bước ra khỏi nhà máy, mọi thứ cũng chuyển biến theo hiệu ứng domino. Người hàng xóm của tôi buôn bán ở chợ bảo rằng, lúc này buôn bán ế ẩm vì công nhân ít việc họ thắt chặt chi tiêu hay chuyển về quê. Một cô giáo dạy mầm non bảo học sinh giảm 25% do các cháu chuyển về quê cùng cha mẹ. Tối ra đường, tôi thấy hàng quán đóng cửa sớm, nhiều căn nhà dọc phố treo bảng cho thuê hoặc bán. Chị chủ tiệm cắt tóc hơn ba chục năm cũng ngăn một phần cửa tiệm phía trước để bán đồ ăn sáng. Chị nói, lúc này người ta chỉ cắt tóc là chủ yếu, không làm thêm những dịch vụ khác, nên mở quán ăn sáng để thêm nguồn thu nhập. Thật may, những người an cư ở lại và có cách xoay sở để sống.
Quanh nhà tôi, những người đi làm công ty thường chỉ gặp nhau vào tối chủ nhật vì ai cũng bận đi làm. Người thì tăng ca, người làm ca đêm nên ít có thời gian ở nhà cùng nhau. Năm nay mọi người gặp nhau thường xuyên, vui buồn lẫn lộn. Buồn vì thu nhập giảm, chỉ đủ ăn. Vui là mọi người có thời gian cùng nhau chia sẻ một món ăn ngon hay kể vài ba câu chuyện cho cuộc sống bớt đơn điệu, láng giềng thêm thân tình, gắn bó. Những đứa trẻ thì rõ là vui rồi. Chúng được cha mẹ nấu cho bữa ăn tươm tất hơn. Các con được chơi cùng cha mẹ. Cả nhà có nhiều bữa tối cùng nhau quây quần.
Tôi yêu nơi tôi ở, những bữa cơm xóm thưa thớt trong năm để những người đàn ông phụ nữ con trẻ chung tay chuẩn bị, nấu ăn và dọn dẹp. Láng giềng gọi nhau í ới cho vài món rau vườn nhà trồng ăn không hết. Âm thanh sáng sớm chị hàng xóm gọi cửa mang cho ít rau đẫm sương đêm chị vừa hái còn rỉ nhựa làm tôi ấm lòng. Buổi tối, bọn trẻ ồn ào chờ tôi ôm rồi bảo cô ra ngoài chơi cho vui. Có hôm, bọn trẻ xúm xít, chạy ào vào nhà tôi bày trò chơi đến tận đêm khuya mẹ gọi mới chịu về ngủ. Tối mùa hè, bọn trẻ chơi huyên náo cả lối xóm.
Tụi nhỏ chơi cùng nhau, lớn cùng nhau, hết lứa này đến lứa khác. Tôi nhìn bọn trẻ lớn lên, trưởng thành mà thấy một phần tuổi thơ trong đó. Những kỷ niệm thời niên thiếu với bạn bè cùng trang lứa ùa về cùng những trò chơi đêm trăng sáng ở quê cứ thấp thoáng trên gương mặt đẫm mồ hôi của bọn trẻ. Có đứa trẻ chưa biết nói, chạy ù vào nhà tôi, kéo áo rồi đưa ngón tay chỉ vào cái bụng tròn ủm vừa ăn xong. Tôi đưa tay búng vào chỗ đứa bé chỉ. Nó cười như nắc nẻ, kéo sấp cái áo xuống. Ở quê tôi, trẻ con cũng thế!
Tôi thường đùa với bạn bè, mình ở chốn ba rọi, nửa phố nửa quê. Vậy mà thấy hài lòng, hân hoan. Tôi mang hồn cốt của một cô gái quê muốn được ở nơi thoáng đãng, rộng rãi, nhiều cây trái, xóm giềng thân thiện. Một phần cô gái thị thành trong tôi muốn không phải chân lấm tay bùn vẫn sống được. Lúc thất nghiệp thì tin tưởng là kiếm ngay được công việc để mưu sinh. Có nơi nào như thế cho tôi? Đồng Nai là nơi đất lành cho cánh chim nửa quê, nửa phố của tôi an yên đậu lại. Duyên với mảnh đất này là thế! Giờ đây, bạn bè muốn Nam tiến, tôi không ngần ngại nói rằng: Đồng Nai là nơi bạn có thể bắt đầu!