Bến Tre Ký Sự

Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt Văn chương tỏ rạng ánh sao Khuê. (*)

Xuôi miền Tây hướng Mỹ Tho qua cầu Rạch Miễu đến giữa cầu đã là địa phận của Bến Tre. Từ đó đi thêm vài dặm rồi rẽ phải theo biển chỉ dẫn ba chục cây là đến đất Ba Tri, đường tỉnh lộ 887 tuy nhỏ nhưng êm mịn, hai bên vườn dừa đang mùa ra trái xanh cây xanh trời xanh cả lòng người.

B 8820

Cổng khu di tích Nguyễn Đình Chiểu – Ba Tri

TGCC

Cảm phục trước cuộc đời của tiền nhân, người đã viết nên áng thi hùng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và truyện thơ Nôm nổi tiếng Lục Vân Tiên, lần này trong chuyến du khảo về Bến Tre, chúng tôi chọn khu tưởng niệm của ông làm điểm đến đầu tiên.

Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu ở An Thạnh Đông, huyện Ba Tri khá uy nghi và sạch đẹp, được coi là di tích quốc gia xếp hạng đặc biệt. Nổi bật là tòa tháp nơi đặt tượng bán thân của ông trong trang phục nhà nho tóc búi củ hành, đầu quấn khăn xếp. Đôi mắt không tròng như thể hiện lại năm tháng cuối đời ông sống trong cảnh mù lòa nhưng vẫn không nguôi day dứt về vận nước và dồn tình yêu nước vào các bài giảng cho đám học trò. Dưới chân tháp là phòng tưởng niệm với nhiều hình ảnh, bút tích, sách vở của các danh nhân thời hiện đại đã đến viếng thăm khu di tích và thắp hương trước mộ của Đồ Chiểu, sự quan tâm lớn vậy cũng phần nào đo được tầm vóc của danh nhân, người yêu nước thương nòi dùng ngòi bút làm công cụ chiến đấu, không bao giờ biết mệt mỏi.

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Cha đẻ của nhân vật Lục Vân Tiên giờ nằm đó bên cạnh người vợ họ Lê và người con gái tên Sương Nguyệt Ánh. Bà tên thật là Nguyễn Ngọc Khuê với tư chất và tài năng nằm cả trong hai câu thơ khắc trên bia mộ:

Lọng sường dẫu rách còn kêu lọng

Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô

Sự bình yên đã ngự trị ở đây khiến không gian nhuốm màu tĩnh lặng. Ngăn nắp mà giản dị, trên phần thông thiên nắp mộ hai vợ chồng chỉ có hai cây mua đang trổ hoa tím ngắt. Hai tấm bia chắc từ thời tang chế viết chữ Hán vẫn giữ lại đặt lên trước mộ, dưới có biển đề chữ quốc ngữ. Ông sinh năm 1822, mất năm 1888, số rất dễ nhớ. Viếng thăm không đúng mùa lễ hội lại vào lúc chiều hôm nên không có khách thập phương nào ngoài hai anh em chúng tôi, mua thẻ hương thắp nghiêm cẩn trước ban thờ để tưởng nhớ công đức cũng như tài năng chí khí của cụ Đồ Chiểu, lòng thầm tự hào về nòi giống Lạc Hồng đâu có dễ phôi pha.

Nhà thờ La Mã ở Giồng Trôm lại mang đến một cảm xúc khác. Dù mới sửa lại năm 2016 nhưng nhà thờ vẫn lưu giữ được nét cổ kính và thẩm mỹ qua kiến trúc tân cổ điển thế kỷ 18, những bức tranh thánh treo dọc hai bên phòng hành lễ và mái ngói đỏ tường quét vôi vàng hệt như những nhà thờ mà tôi đã thấy ở Firenze (Ý). Ánh nắng chiều hắt lên nhà thờ tạo bóng đổ loang giữa nền trời xanh ngắt. Tôi sững sờ bấm máy mà không thốt nên lời trước vẻ đẹp do cả Chúa Trời và loài người cùng chung sức tạo nên.

B2 4577

Nhà thờ Giồng Trôm

TGCC

Về Bến Tre thì trời đã tối, chúng tôi chọn một khách sạn nhỏ nằm trên đường Hùng Vương sát bờ sông Hàm Luông. Lang thang chợ đêm sát bờ sông. Vô vàn các loại hoa quả, giá rất rẻ, ngoài ra bán cả đồ dùng, quần áo, hàng lưu niệm. Có dăm ba quán ăn nhỏ đang rất đông khách. Tôi vào hỏi còn thịt vịt không thì quán trả lời hết nên đành thôi món bánh canh vịt xiêm mà chuyển sang hủ tiếu sườn thập cẩm. Chợ đêm của một thành phố tỉnh lỵ của một tỉnh nghèo miền Tây thường đóng cửa trước 23 giờ khiến tôi cứ tự hỏi khi nào thì nó thực sự là chợ đêm như ở Hà Nội, Sài Gòn chứ không phải là “chợ tối” như bây giờ.

Giấc ngủ đêm lần đầu ở ven sông Hàm Luông không trọn vẹn. Trằn trọc mãi không ngủ được đến gần sáng mới thiếp đi. Ra mở cửa sổ nhìn xuống dòng sông sáng sớm mù sương, phía hạ nguồn có khúc cong rất mịn tựa như eo lưng của thiếu nữ. Cây cầu bắc qua sông vẫn còn ánh điện đêm đã lác đác có bóng người. Không khí ban sớm rất thích, mát mẻ, trong lành, thành phố tỉnh lẻ sáng Chủ nhật như còn ngái ngủ, tương tự giống hầu hết các thị tứ miền Tây. Còn tôi thấy sự vắng vẻ này chỉ có ở Hà Nội hay Sài Gòn những ngày tết thôi.

Ăn sáng xong rồi lên đường. Theo kế hoạch sẽ đi lễ chùa Viên Minh, thăm đình An Hội và ghé Thạnh Phú (Cồn Bửng). Hai công trình kiến trúc cũ kỹ nhất của Bến Tre nằm lọt thỏm giữa Trung tâm Thương mại, trụ sở ngân hàng… vẫn giữ được sự nghiêm túc để hấp dẫn các tín đồ và du khách. Chúng tôi rất ấn tượng về bức tượng Quán Thế âm Bồ tát bằng đá trắng làm năm 1957 ở cổng trái của Chùa Viên Minh và những chi tiết gốm sứ dòng Hoa Mai chạm trổ và gắn trên bức tường cổng đình An Hội cũng như trên mái phía hậu cung. Nhìn những con rồng con phượng, con rùa gốm vàng gốm xanh đẹp đến nao lòng đã trụ cả trăm năm qua nhiều thăng trầm mới thấy quý giá biết nhường nào. Chùa Viên Minh được tạo dựng năm 1874 và được coi như là trung tâm Phật giáo của tỉnh Bến Tre, còn đình An Hội thì thờ Quốc tổ Hùng Vương cùng các vị tiên hiền thành hoàng bản thổ, sau này bổ sung thêm thờ Bác Hồ để tri ân công đức.

Tiếp tục hành trình dọc đại lộ Đồng Khởi rồi rẽ sang đại lộ Võ Nguyên Giáp, biển chỉ đường nói 50 km nữa mới tới Thạnh Phú, nhưng trước đó sẽ đi qua một địa danh là huyện Mỏ Cày, nơi đã đi đầu trong phong trào Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre. Khu tưởng niệm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre nằm ở góc ngã ba đối diện Ủy ban Nhân dân xã, gọn ghẽ trang nghiêm với tạo hình ngọn đuốc ở tòa nhà chính, chếch bên trái là Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ. Cá nhân tôi thấy không giống ngọn đuốc mà giống những giọt máu hồng năm nào đã rơi trên mảnh đất lịch sử này của hàng vạn người con Bến Tre.

Tự nhiên nhớ tới Lá thư Bến Tre của Tố Hữu với những lời căm hờn như sau:

Biết không anh? Giồng Keo, Giồng Trôm.

Thảm lắm anh à, lũ ác ôn

Giết cả trăm người, trong một sáng

Máu tươi lênh láng đỏ đường thôn…

Nội dung bài thơ là lời kể của một em gái Bến Tre gửi cho anh ở ngoài Bắc về những câu chuyện đấu tranh và tội ác của Mỹ ngụy đối với người dân và phong trào cách mạng ở nơi này. Nhà tưởng niệm đã ghi lại khá đầy đủ nội dung từ khởi phát phong trào Đồng Khởi cho đến thắng lợi sau này dù nhiều hy sinh mất mát.

Nhưng, tôi lại rất thích những vần thơ lãng mạn ở cuối bài, nó cho thấy trong bất cứ hoàn cảnh nào người chiến sỹ cách mạng vẫn giữ được niềm tin và lạc quan về một tương lai tươi sáng.

Anh ở ngoài kia, có mạnh không?

Nhớ anh, em vẫn để trong lòng

Như con sông nhỏ ngày đêm ấy

Cứ chảy, trăm năm chẳng đổi dòng.

Em ở trong này, em vẫn trông

Cao cao ngoài đó, có mây hồng

Có anh đi đó, bên em đó…

Em đó, bên mình, anh thấy không?

Đang giữa mùa khô nên ban ngày trời rất nóng, nhiệt độ lên tới 35-36 độ C. Xe chạy trong nắng chang chang đến đeo kính râm mà vẫn chói mắt. Chốc chốc lại qua một cái cầu, vùng này thật lắm kênh rạch. Nhiều địa danh nghe kỳ cục rất miền Tây như Quới Điền, Cồn Bửng, Cổ Chiên, Cầu Ván. Từ Bến Tre đi Thạnh Phú (ra tới biển) có 74 km đường đi chừng một tiếng rưỡi nhưng ngày trước đi lại khó khăn mất cả ngày đường. Bóng dừa lui dần nhường chỗ cho những rặng phi lao kiên trì bám nơi đầu sóng gió. Chẳng mấy chốc đã đến nơi, biển Cồn Bửng hoang sơ hiện ra trước mắt trong tiếng sóng vỗ bờ tự ngàn xưa. Vì là ngày cuối tuần nên quán ăn đông nghịt du khách chủ yếu từ Sài Gòn xuống. Họ đến đây để hít thở không khí trong lành, tắm biển và ăn hải sản.

B3 1586

Biển Cồn Bửng, Thạnh Phú

TGCC

Dù là bãi biển cửa sông còn lẫn cả phù sa nâu đỏ nhưng bù lại sóng khá to, nước mát và không có các dịch vụ “chặt chém” du khách như ở các nơi “văn minh” khác. Có vẻ mọi thứ nơi đây vẫn vậy như hàng chục năm qua. Những cái phao bơi làm từ săm ô tô, hải sản bày bán trên bãi cát có dịch vụ nướng và hấp, đồng giá 20 nghìn một mẻ. Khách chỉ cần mượn cái ghế ngồi rồi chủ hàng sẽ mang đồ ăn đến đúng địa chỉ. Giá cả rất phải chăng. Xong xuôi lấy quần áo ra thay rồi hai thằng lao xuống biển. Đời mà, mấy khi có dịp lang thang rong chơi thế này.

Tạm biệt Bến Tre với nhiều kỷ niệm, chút nắng gió miền Tây đã in đậm trên làn da, chúng tôi trở về mà lòng tự nhủ, nhất định một ngày sẽ trở lại nơi đây.

(*) Câu đối tại đền thờ cụ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre.

Bài Viết Liên Quan