Anh Tùng quê gốc ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái nhưng đến nay đã ngót 30 năm gắn bó với vùng chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn). Suốt 3 thập kỷ gắn bó với cộng đồng dân cư, lăn lộn tìm hướng đi cho cây chè nơi đây đã giúp anh hiểu rõ văn hóa, phong tục tập quán cũng như nghề chè truyền thống của đồng bào.
Ông chủ của HTX Chè cổ thụ “5 cực” Suối Giàng chia sẻ: Những ngày đầu đặt chân lên vùng đất này chỉ thấy những đồi chè bát ngát giữa đỉnh núi phủ đầy sương. Rừng chè shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng đã có tuổi đời hàng trăm năm, chất lượng miễn bàn, tuy nhiên cách chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến của đồng bào còn nhiều hạn chế. Đặc biệt vào giai đoạn 2006 – 2007, khi nhà máy chè ở Suối Giàng hoạt động không còn hiệu quả, dân thu hoạch chè không biết bán cho ai, đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn.
Quyết tìm hướng đi giúp bà con và nghiên cứu công nghệ mới để nâng tầm chè cổ thụ Suối Giàng, năm 2006, anh Tùng quyết định sang Trung Quốc để học nghề chè với mong muốn tìm ra công thức đặc biệt cho chè shan tuyết. Nếu sản xuất được, bán được sẽ giúp người dân tiêu thụ được búp chè tươi để đồng bào tin tưởng, bảo vệ và phát triển cây chè quý.
Sau hơn một tháng “du học” ở xứ người, anh Tùng trở về gắn bó với nghề chè. Mặc dù vậy, ban đầu, kỹ thuật làm còn non, đồ nghề thủ công nên những mẻ chè cháy, chè hỏng phải đổ bỏ nhiều.
Qua nhiều lần thất bại cũng rút ra được những bài học. Dần dà tay nghề anh Tùng được nâng cao, có thể biết rõ độ ẩm môi trường, lượng nước ngậm trong búp chè ra sao để thay đổi nhiệt độ cho phù hợp. Anh bảo mình có thể biết “nói chuyện với lửa” để thời khắc nào diệt men, thời khắc nào đánh mốc, lấy hương… Biết vụ chè xuân phải lấy nguyên liệu trước Tết Thanh Minh, vụ thứ hai là cuối thu đầu đông, vào thời điểm này búp chè mới được ví như báu vật.
Anh Tùng cũng thành lập HTX Chè cổ thụ “5 cực” để liên kết với các hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu, phổ biến kiến thức và nâng tầm giá trị chè Suối Giàng.
Hiện nay, HTX Chè cổ thụ “5 cực” của anh Tùng đã đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại, tất cả các thành phần dinh dưỡng, hương vị được giữ nguyên bản của búp chè tươi. Qua khâu diệt men, chè được phơi sấy trong kho lạnh âm 30 độ C để rút nước từ từ, đến khi khô khoảng 80% thì cho ra ở nhiệt độ môi trường rút hết nước.
Sản phẩm sau đó tiếp tục được bảo quản trong kho lạnh để có thể giữ được chất lượng hảo hạng, hương vị riêng có trong thời gian dài. Anh Tùng bảo rằng, cái hương vị báu vật ấy có thể cảm nhận giống như hái búp chè tươi cho vào miệng nhai, thấy vị thế nào thì khi nhấp chén trà sẽ có cảm giác gần tương tự như vậy.
HTX Chè cổ thụ “5 cực” có ý nghĩa khẳng định thương hiệu vùng chè Suối Giàng. Đó là cực khổ chỉ sự vất vả từ người thu hái đền người chế biến. Cực ngon thể hiện chất lượng hảo hạng của chè cổ thụ Suối Giàng. Cực sạch là nhờ nguyên liệu trên rừng tắm sương ngậm tuyết, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Cực đẹp là mẫu mã, hình thức bắt mắt. Cực quý hiếm vì sản lượng ít.
Kể từ khi đi vào hoạt động, HTX Chè cổ thụ “5 cực” đã ký hợp đồng bao tiêu chè búp tươi với khu vực có vùng nguyên liệu sạch và các hộ dân thu hái đảm bảo tiểu chuẩn chất lượng, mục tiêu là sản xuất các loại trà cao cấp để nâng cao vị thế và giá trị cho chè Suối Giàng.
Thời gian tới, anh Tùng đang ấp ủ sản xuất một loại trà hảo hạng có tên gọi “Mạc đao kỳ trà”. Đó là thứ trà mà nguyên liệu phải được thu hái vào những đêm trăng, hái ở những tán cây hướng đông, nơi có búp chè đón ánh nắng mặt trời đầu tiên trong ngày. Sau khi thu hái phải chế biến ngay trong đêm để giữ lại hết sự tinh túy của chè cổ thụ Suối Giàng. Giá của loại sản phẩm này HTX dự kiến bán khoảng 25 triệu đồng/kg.
Việc HTX Chè cổ thụ “5 cực” ra đời đã góp phần giải quyết việc làm, bảo tồn và phát triển bền vững vùng chè shan tuyết, giúp tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Nhờ được nâng tầm thương hiệu, từ chỉ vài nghìn đồng một cân chè búp tươi trước đây, đến nay giá chè búp đã tăng cao hơn rất nhiều. Đối với chè 1 tôm 2 lá vào thời điểm thấp nhất cũng có giá 11.000 – 12.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất có khi lên đến 25.000 – 30.000 đồng/kg. Chè 1 tôm 1 lá được thu mua với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, còn chè tôm được thu mua với giá 250.000 – 270.000 đồng/kg.
Nhờ đó, đồng bào Mông ở Suối Giàng rất phấn khởi, tin tưởng và càng có ý thức chú trọng chăm sóc, bảo vệ cây chè shan tuyết cổ thụ quý giá.
Để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trà shan tuyết Suối Giàng đến người tiêu dùng trên cả nước, thời gian tới, HTX Chè cổ thụ “5 cực” sẽ chủ động liên kết, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh để đảm bảo đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho hàng năm cho bà con.
Ngoài ra, HTX sẽ phấn đấu xây dựng sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn 5 sao, có chứng nhận ECOCERT, tiêu chuẩn ORGANIC dành cho các sản phẩm hữu cơ của châu Âu, có chỉ dẫn địa lý, có mã số vùng trồng…