Từng là một người có thân thể khỏe mạnh, thế nhưng mọi thứ đã thay đổi với anh vào quãng đẹp nhất của tuổi trẻ. Đôi chân mất cảm giác khiến chàng thanh niên nhiều hoài bão phải gắn mình với chiếc xe lăn.
Nghị lực chiến thắng số phận, không chỉ vượt qua chính bản thân mình, hiện anh còn thầm lặng góp công sức trên hành trình xóa bỏ định kiến, thay đổi cách nhìn của cộng đồng đối với người khuyết tật (NKT), tạo ra cho NKT những cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Anh là Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch Doanh nghiệp xã hội Handy Việt Nam.
Bước ngoặt định mệnh
Tôi gặp Nguyễn Anh Dũng trong một ngày cuối thu trên trụ sở công ty đặt tại phường Vĩnh Phúc (Q.Ba Đình, Hà Nội). Khi ấy, anh đang bận rộn chuẩn bị những khâu đoạn cuối cùng để khai giảng khóa học dành riêng cho cộng đồng NKT mang tên “Vượt qua giới hạn – Tạo dựng tương lai”.
Anh bảo, anh đã dành rất nhiều tâm huyết để xây dựng khóa học này nhằm trang bị từ tư duy, tâm lý đến các kỹ năng marketing online và bán hàng cho NKT. Dĩ nhiên, các học viên tham gia khóa học cũng hoàn toàn miễn phí. Không chỉ vậy, với những học viên ở xa, anh cùng những cộng sự còn hỗ trợ nơi ăn, chốn nghỉ và cả “đầu ra” sau khi kết thúc thời gian đào tạo.
Trong câu chuyện, dù không ít lần bị ngắt quãng bởi những cuộc gọi, những lời hỏi thăm hoặc ai đó nhờ ít phút để xin anh lời khuyên, nhưng chừng đó cũng đủ để tôi cảm nhận được Nguyễn Anh Dũng là con người nhiệt huyết, hết lòng vì những người xung quanh.
Nguyễn Anh Dũng sinh năm 1982. Dũng bảo, tuổi thơ của anh cũng như bao chúng bạn với đủ các trò nghịch ngợm. Thế nhưng, mọi chuyện bỗng chốc thay đổi vào quãng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ – tuổi 15.
Một ngày, không hiểu căn nguyên từ việc bị ngã hay bởi trận ốm thập tử nhất sinh mà phần thắt lưng và đôi chân anh cứ đau dần. Gia đình đưa Dũng đi chữa chạy khắp nơi, hễ ở đâu nghe có thuốc tốt, thầy giỏi là bố mẹ lại khăn gói đưa anh đi điều trị. Thế nhưng, những nỗ lực khi ấy dần trở nên vô vọng, tuổi thanh xuân của Nguyễn Anh Dũng dần phải gắn chặt với chiếc xe lăn khi anh không đi lại được nữa.
Trong những chuỗi ngày dài thượt, đầy u tối ấy, Nguyễn Anh Dũng tình cờ đọc được cuốn sách Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm của tác giả nước ngoài Kim Woo Choong. Kim Woo Choong là người gặp nhiều chông gai trong cuộc sống, nhưng từ 2 bàn tay trắng ông đã tạo dựng nên Daewoo – một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Vùi mình trong những trang sách, Dũng bảo, cuộc đời của Kim Woo Choong đã góp phần định hình cho anh quyết tâm không gục ngã trước số phận.
Dũng quyết định học chuyên sâu về tin học. Quãng thời gian đó, tin học vẫn là một thứ hết sức mới mẻ ở Việt Nam và không nhiều người biết đến nó. Nhưng càng khó Dũng lại càng muốn chinh phục, anh mua sách để tự mày mò học. Nhiều điểm chưa hiểu thì anh nhờ thêm bạn bè hoặc mời thầy về dạy.
Dũng chia sẻ, là người bình thường mở doanh nghiệp đã khó, đã ít, với NKT thì sự khó khăn còn nhân lên gấp bội. Thế nhưng, những khó khăn không làm Dũng nản chí. Tháng 11.2003, anh bắt đầu kinh doanh online với công việc đầu tiên là bán tên miền và hosting, trở thành đại lý thẻ internet.
Năm 2005, khi mới bước sang tuổi 22, anh mở công ty về internet đầu tiên – Công ty Cổ phần Truyền thông các giải pháp công nghệ. Thời điểm đó, Nguyễn Anh Dũng là NKT trẻ nhất Việt Nam làm giám đốc một doanh nghiệp. Khi đó, chỉ sau 2 tháng chiêu mộ, công ty do Dũng mở ra đã có 18 nhân viên có bằng cấp đại học chuyên ngành.
Không chỉ là NKT mở doanh nghiệp sớm nhất, ít ai biết, Dũng còn là một trong những người đầu tiên chủ động nộp đề xuất vào Hiệp hội Internet Việt Nam. Anh kể, năm 2015 anh nộp đề xuất và được bổ nhiệm làm Trưởng ban đào tạo Hiệp hội Internet Việt Nam. Với năng lực của mình, từ năm 2016 đến nay anh đã tổ chức và đào tạo cho hơn 2.000 học viên là các cán bộ quản lý, CEO của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ở 20 tỉnh thành trên toàn quốc.
Thắp lên niềm tin cho người khuyết tật
Dũng đúc kết với tôi rằng, suốt 18 năm anh khởi nghiệp kinh doanh, ổn định thì ít mà thăng trầm thì nhiều. Anh mở công ty, doanh thu cao nhưng kinh nghiệm quản lý chưa đủ khiến có thời điểm chỉ tính riêng tiền thuê nhà, trả lương cho nhân viên, mua sắm máy móc thiết bị… anh đã cạn vốn. Nhưng khi ấy, anh vẫn ôm quyết tâm không để cho những người sát cánh, làm việc chung với mình bị thiệt thòi. Anh bán nhà, bán xe, bán tất cả mọi thứ có thể để duy trì và trả lương cho nhân viên.
Khó khăn nối tiếp khó khăn, năm 2013 – 2014, sức khỏe Dũng giảm sút đột ngột, việc mở rộng kinh doanh mảng sách online, một thị trường hết sức mới mẻ vào thời điểm đó đã thất bại. Tiền anh đầu tư vào đó gần như mất trắng. Không than trách ai, cũng không đổ lỗi do hoàn cảnh, Dũng bảo với tôi, những vấp váp anh gặp phải đều xuất phát từ bản thân, từ công tác quản trị doanh nghiệp của anh vẫn còn nhiều lỗi.
Khi công việc có chút khởi sắc thì dịch Covid-19 ập đến khiến hoạt động kinh doanh của Nguyễn Anh Dũng bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn này, mẹ anh cũng bị ốm nặng. Dũng cười buồn bảo, cho đến khi mất mẹ vẫn không nguôi lo lắng cho anh. Mẹ mất khiến Nguyễn Anh Dũng bị sốc tâm lý. Anh luôn thường trực cảm giác chống chếnh và bơ vơ.
Năm 2021, Nguyễn Anh Dũng quyết tâm vực dậy, làm lại từ đầu. Anh luôn thường trực suy nghĩ, bản thân phải cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Nghĩ là làm, anh thành lập Doanh nghiệp xã hội Handy Việt Nam chuyên đào tạo, dạy nghề và truyền lửa cho đối tượng là NKT.
Dũng chia sẻ, việc làm và tạo thu nhập cho NKT vẫn luôn là vấn đề nổi cộm ở Việt Nam. Hiện một tỉ lệ lớn NKT vẫn đang thất nghiệp, số người có việc làm thì công việc bấp bênh. NKT thiệt thòi đủ đường, bản thân là NKT nên Dũng đồng cảm và thấu hiểu những khó khăn này.
Dũng bộc bạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Tàn nhưng không phế… Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ…”. Vậy nên anh và các cộng sự đã tổ chức các khóa huấn luyện chuyên sâu, có tính thực tiễn cao dành riêng cho NKT. Dũng bảo, bất kỳ NKT nào có khát vọng vươn lên và quyết tâm muốn cải thiện, thay đổi số phận của chính mình để có một tương lai chủ động và độc lập ở phía trước thì đều có thể tham dự.
Để truyền cảm hứng vươn lên cho cộng đồng NKT, có những lúc cả tháng ròng Dũng rong ruổi, đi kết nối với các hội NKT ở các tỉnh, thành trên cả nước. Anh bảo, bản thân mở doanh nghiệp xã hội là để truyền lửa cho NKT nên các hoạt động đều miễn phí. Điều đáng mừng nhất là NKT sau khi đào tạo thì đều có thể tìm được hướng đi riêng hoặc một công việc ổn định.
“Tôi có mạng lưới doanh nghiệp cần tuyển người. Tôi đóng vai trò kết nối, đào tạo. Hơn hết, tôi suy nghĩ rằng, đào tạo xong phải có đầu ra cho họ, để NKT tự kiếm được thu nhập, ít nhất nuôi sống được bản thân. Bản thân là NKT, mình khó khăn, những NKT cũng khó khăn như vậy, thế nên càng phải giúp họ”, anh chia sẻ. Cứ thế, bằng những nỗ lực thầm lặng, sự cố gắng không ngừng nghỉ, tính từ khi thành lập 6.2022, Doanh nghiệp xã hội Handy Việt Nam đã đào tạo miễn phí cho gần 200 NKT.
Với Nguyễn Anh Dũng, “khuyết tật thân thể không đáng sợ, khuyết tật tâm hồn và nghị lực mới đáng sợ. NKT nếu không có nghị lực, ý chí vươn lên thì không ai giúp được mình”.