Nằm Ở Độ Cao Hơn 1.000M So Với Mực Nước Biển, Xã Phình Hồ Quanh Năm Mây Mù Bao Phủ. Ảnh: Trung Quân.
YÊN BÁI Năm nay đã hơn 100 tuổi, ông Sùng Sấu Cua hiểu từng cây chè Shan tuyết ở Phình Hồ như từng đứa con của mình và quyết gìn giữ chúng cho muôn đời sau.

Bạn tri kỷ với chè Shan tuyết

Tiết trời âm u, sương mù, giá buốt khiến con đường độc đạo chạy quanh núi từ Quốc lộ 32 đoạn qua trung tâm huyện Văn Chấn lên xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vốn nhiều khúc cua lại càng trở nên chênh vênh khi tầm nhìn phía trước chỉ cần cách 5m đã không thể nhìn rõ mặt người. Dò theo ánh đèn xe máy yếu ớt trong màn sương dày, ngôi nhà của ông Sùng Sấu Cua cũng hiện hữu trước mắt.

Nằm Ở Độ Cao Hơn 1.000M So Với Mực Nước Biển, Xã Phình Hồ Quanh Năm Mây Mù Bao Phủ. Ảnh: Trung Quân.

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, xã Phình Hồ quanh năm mây mù bao phủ. Ảnh: Trung Quân.

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, ngôi nhà có cột và mái được làm bằng gỗ pơ mu chắc chắn, thiết kế thấp để tránh gió lùa đang “say giấc” chợt bừng tỉnh khi có sự xuất hiện của những người khách phương xa.

Nghe tiếng xe máy, ông Sấu Cua đon đả chạy từ sau nhà ra phía trước. Tiếng bước chân trần chắc nịch trên nền đất cứng của lão nông năm nay đã hơn 100 tuổi khiến cánh thanh niên chúng tôi vừa cất tiếng xuýt xoa vì rét thấy ngượng ngùng dấu vội đôi bàn tay đang run lên vì tê buốt.

Không giống những người Mông tôi từng gặp có phần e dè, khép mình, kiệm lời, ông Sấu Cua lại rất hồ hởi khi có người lạ đến thăm. Theo người con trai út, do tuổi cao nên từ lâu ông Sấu Cua đã không ra khỏi xã, vì thế mỗi khi có người ở xa đến ông vui ra mặt vì lại có cơ hội được nói, được trải lòng về những hoài niệm, bài học nhân sinh mà mình đã dành hơn 1 thế kỉ đúc kết.

Bước vào nhà, đến ngồi cạnh bếp củi đang rực lửa, tôi mới có cơ hội ngắm kỹ người đàn ông đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Sự phúc hậu, chân thành toát lên trên gương mặt chứa đựng dấu tích của thời gian khiến người đối diện thấy ấm lòng.

Chậm rãi đi vào góc nhà, ông Cua nhẹ nhàng lấy một nắm chè Shan tuyết tự tay mình sao cho vào một bát tô lớn, nhấc ấm nước sôi nghi ngút khói trên bếp nhanh tay rót đầy. Khi trà ngấm, ông chia ra các bát ăn cơm nhỏ, mời mọi người thưởng thức. Cách pha, uống trà đặc biệt làm khói gặp sương lạnh lờ nhờ chẳng muốn rời đi, quện với hương trà thơm phức mang đến một cảm giác khoan khoái, bình yên đến lạ thường.

Uống một ngụm trà lớn, ông Sấu Cua đầy tự hào nói: “Chè Shan tuyết Phình Hồ ở núi cao, quanh năm mây mù, khí hậu ôn hoà nên phát triển hoàn toàn tự nhiên, được hấp thụ những gì tinh tuý nhất của đất trời nên có hương vị rất riêng, không nơi nào có được”. Có lẽ với một người cả cuộc đời gắn bó với cây chè Shan tuyết như ông thì việc được nói về “người bạn tâm giao”, “nhân chứng lịch sử” này là một niềm hạnh phúc.

Ông Cua nhớ lại, từ khi biết cầm roi đuổi trâu đi chăn thả đã thấy những cây chè Shan tuyết mọc xanh tốt khắp các triền đồi. Nhận thấy loại cây này có thân gỗ lớn, lớp vỏ giống như mốc trắng, cao đến hàng chục mét, tán lá rộng nên người dân giữ lại nhằm chống xói mòn đất. Lá chè ủ nước uống thấy thanh mát nên các hộ bảo nhau thu về sử dụng hàng ngày chứ chẳng ai biết giá trị đích thực của nó như thế nào.

Cách Pha, Uống Trà Đặc Biệt Của Ông Cua Mang Đến Cảm Giác Khoan Khoái, Bình Yên Đến Lạ Thường. Ảnh: Trung Quân.

Cách pha, uống trà đặc biệt của ông Cua mang đến cảm giác khoan khoái, bình yên đến lạ thường. Ảnh: Trung Quân.

Khi người Pháp chiếm đóng Yên Bái, nhận thấy những cây chè tưởng như hoang dại nhưng lại là thức uống tuyệt vời mà đất trời ban tặng, các quan Pháp chỉ đạo thư ký (người Việt làm phiên dịch) vào từng bản thu mua toàn bộ chè đã sao khô của người dân với giá 1 hào/kg hoặc đổi lấy gạo, muối.

Hòa bình lập lại, cái đói, nghèo vẫn bủa vây khắp miền sơn cước. Những cây chè Shan tuyết chứng kiến tất cả, giang rộng vòng tay mình, tạo thành điểm tựa vững chắc để người dân Phình Hồ bám víu, đèo bòng nhau qua từng cơn bĩ cực.

Chàng trai Sấu Cua khi ấy cùng với đám trai tráng trong bản hàng ngày lặn lội từ sớm tinh mơ, cầm đuốc, đeo gùi lên núi hái chè; thi nhau vác những bó củi lớn về làm chất đốt sao chè. Khi có thành phẩm lại khẩn trương khăn gói vượt núi, băng rừng đưa xuống thị xã Nghĩa Lộ bán cho người Thái hoặc đổi lấy gạo, muối… mang về. Chẳng có cân, chè được đóng thành các bọc nhỏ theo ước lượng, người mua căn cứ vào đó trả lại lượng gạo, muối tương đương. Sau này mới đươc quy đổi thành 5 hào/kg (chè khô).

Khó khăn thế nào cũng không bán cây chè Shan tuyết

Thoạt nghĩ, người mới tới Phình Hồ nghĩ người Mông ở đây sướng, bởi cây chè Shan tuyết tự nó mọc lên ở núi rừng, chẳng cần chăm sóc vẫn có thu hoạch. Sướng thì đúng là sướng thật vì không phải nơi nào cũng được ưu đãi như thế, nhưng hành trình đổi chè lấy gạo, muối đâu có dễ dàng như vậy.

Cây chè mọc tự nhiên trên núi nên không tránh khỏi bị sâu bệnh phá hoại. Kiến thức, vật tư phòng trừ sâu bệnh người dân đều thiếu cả. Thương cây, dân bản chỉ biết cầm dao phát quang phía dưới gốc, nhẹ nhàng khoét ổ bắt từng con sâu. Chẳng rõ cách làm đó có khoa học hay không, nhưng mỗi lần một con sâu được đưa ra khỏi cây thì mọi người lại như trẻ thêm 1 tuổi.

Ông Sùng Sấu Cua (Ngồi Giữa) Chia Sẻ Về Những Trăn Trở Trong Việc Bảo Vệ Cây Chè Shan Tuyết Ở Phình Hồ. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Sùng Sấu Cua (ngồi giữa) chia sẻ về những trăn trở trong việc bảo vệ cây chè Shan tuyết ở Phình Hồ. Ảnh: Quang Dũng.

Không những vậy, để có những búp chè Shan tuyết chất lượng, người dân phải trèo lên tận ngọn cây cao vút, tỉ mẩn chọn từng tôm để hái. Lâu dần, tất cả nhận thấy nếu cứ để cây chè mọc tự nhiên thì không bật được búp và có thể “cao tới tận trời xanh” không thể thu hái. Ngẫm nghĩ mãi, bà con nghĩ cách phải chặt bỏ bớt cành (hiện tại, sau 2 vụ cây chè lại được người dân chặt cành 1 lần).

Tuy nhiên, chặt cành cũng phải có kỹ thuật, nếu không đúng cách cây sẽ bị nứt, gặp thời tiết lạnh, ẩm, nước ngấm vào trong cây sẽ khô héo, chết dần. Vậy là, những con dao được mài sắc lẹm, trao cho người có sức vóc nhất. Những nhát chặt dứt khoát, vát từ dưới lên “ngọt như mía lùi” khiến cây chẳng kịp có cảm giác mình vừa mất đi những cánh tay.

Khi thu hoạch, phải lựa đúng thời điểm chè mới đạt trọng lượng, vừa có chất lượng hảo hạng nhất. Thông thường, 1 năm bà con thu hoạch 3 vụ. Vụ đầu tiên vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 và vụ cuối vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch.

Trước đây không có đồng hồ, các hộ dựa vào tiếng gà gáy để lên núi hái chè. Khi nghe tiếng kẻng, tiếng trống trường ra chơi (9 – 10h) của học sinh sẽ trở về nhà. Chè tươi mang về dù được nhiều hay ít cũng phải đưa vào sao ngay vì nếu để lâu sẽ bị héo, chua. Quá trình sao chè phải cực kỳ bình tĩnh, đảm bảo đủ thời gian và độ chính xác gần như tuyệt đối. Củi sao chè phải là những cây gỗ chắc thịt, không dùng gỗ pơ mu vì mùi gỗ sẽ làm mất hương chè. Ngoài ra, tránh để vỏ ni lông, bao bì… rơi vào bếp tạo mùi khét trong quá trình sao.

Từng loại chè thành phẩm có cách sao khác nhau. Hồng trà khi mang về phải để lá tươi héo mới vò, ủ qua đêm cho lên men rồi mới đưa vào sao. Bạch trà chỉ dùng những búp non được bao phủ bởi lớp lông mao trắng, quá trình chế biến không vò, chậm rãi, vì nếu làm héo, khô trong điều kiện quá nóng chè sẽ trở thành màu đỏ, còn ở điều kiện quá lạnh sẽ trở thành màu đen…

Theo ông Cua, mỗi người có một bí kíp sao chè riêng, nhưng với ông thông thường một mẻ chè phải sao trong thời gian từ 3 đến 4 tiếng. Ban đầu để lửa to, khi nóng chảo gang chỉ dùng hơi nóng từ than. Một kinh nghiệm mà đến nay ông vẫn truyền lại cho các con là khi chưa thể ước lượng được nhiệt độ của chảo gang thì dựa vào độ cháy của thanh củi. Nghĩa là các khúc củi được chặt với kích thước bằng nhau, lần đầu củi cháy đến đâu sẽ cho chè vào đảo thì các lần sau cũng sẽ làm như thế.

“Nhìn có vẻ đơn giản nhưng để cảm nhận được nhiệt độ phù hợp và đưa ra quyết định sao chè cần sự tập trung cao độ và tình yêu mãnh liệt với từng búp chè mới có thể làm được. Bây giờ máy móc hiện đại, có thể hẹn giờ, đo được nhiệt độ, nhưng với chè Shan tuyết tự nhiên, hấp thụ tinh hoa của đất trời thì việc sao bằng bếp củi không chỉ là cách để lưu giữ hồn cốt của chè mà còn là một nét văn hóa trong cách rèn người”, ông Sấu Cua bộc bạch.

Với Người Dân Phình Hồ, Những Cây Chè Shan Tuyết Đã Trở Thành Người Thân Trong Gia Đình. Ảnh: Trung Quân.

Với người dân Phình Hồ, những cây chè Shan tuyết đã trở thành người thân trong gia đình. Ảnh: Trung Quân.

Khi được hỏi điều mong mỏi nhất điều gì? Ông Cua nhỏ nhẹ: “Mong không ốm, không đau để cùng con cháu, dân bản bảo vệ những cây chè Shan tuyết cổ”. Thật mừng vì trước đây cứ thấy cây nào lá đẹp là người dân đổ xô vào hái, “cha chung không ai khóc”. Bây giờ thông tin, giao thương, du lịch phát triển, giá trị của chè Shan tuyết càng rõ ràng hơn, nhà nhà bảo nhau chủ động đánh dấu, bảo vệ từng gốc chè.

Hội cao niên một mặt vận động người dân trong bản, một mặt kiến nghị với chính quyền địa phương cùng nhau thống nhất dù khó khăn thế nào cũng không được bán đất, bán những cây chè Shan tuyết cho người nơi khác. Rễ chè ôm chặt đất mẹ bao nhiêu thì người Mông sẽ ôm chặt từng gốc chè tới đó.

Bài Viết Liên Quan