Những cơn mưa cuối mùa đi qua làng quê miền Đông Nam bộ, nhão đặc bùn đất đỏ. Những con đường được kết vòm bởi cành lá cao su sâu hun hút đưa tôi về miền ký ức đẹp của tuổi thơ nghèo khó bên xóm nhỏ…
Làng của tôi nằm khép mình bên dự án sân bay Long Thành với bạt ngàn cao su, phần lớn là lưu dân miền Trung vào lập làng kinh tế mới. Khác với những vùng đất mới trù phú để khai phá, trồng trọt, nghề nghiệp chính của những người lao động quê tôi chỉ là công nhân cạo mủ.
Cái nghiệp cầm dao cạo thăng trầm đi qua với cây cao su, từ những ngày “vàng trắng” được giá cho đến khi đồng lương ít ỏi của người công nhân không đủ sống, ba mẹ tôi phải làm đủ nghề khác để nuôi mấy anh em tôi ăn học. Cuộc sống cơ cực là thế, tuổi thơ chúng tôi vẫn vô tư với những ngày bắt dế, nhổ nấm mối nấu cháo và săn những chú chim non dưới vòm lá xanh tít tắp.
Không có những buổi thả diều, chăn trâu như những đứa trẻ vùng quê khác, tụi nhỏ chúng tôi lớn lên với những ngày đánh trận giả mà những gốc cao su luôn che chở mỗi lần “ra trận”. Những đêm trăng sáng, gọi nhau í ới vang vọng cả một khu rừng vắng, tiếng hạt cao su nổ vang, hương thơm bay thoang thoảng.
Đến đầu mùa khô, những cây cao su khẳng khiu bắt đầu nghỉ ngơi, màu lá cũng nhanh chóng chuyển sang vàng rồi đỏ rực một vùng quê khi mùa xuân đến. Lá rụng, bát nhựa lật úp, sự sống âm thầm được nuôi dưỡng, nảy nở bên trong để chờ ngày nảy lộc, tràn đầy nhựa sống.
Cứ mỗi lần đi học về, cô bạn gái ngồi sau xe đưa tay hứng chiếc lá rồi ngân nga câu thơ gì đó về tình yêu. Sau này, mặc dù đã định cư ở Nhật nhưng khi lá phong rực đỏ ở những cánh rừng xứ người, em lại nhắn cho tôi “quê mình vào mùa lá rụng chưa anh?”.
Theo thời gian, khi cha mẹ không còn đủ sức gắn bó với nghề cạo mủ, lứa học sinh chúng tôi ra trường phần lớn cũng bỏ quê lên thành phố học đại học, cao đẳng. Đứa nào không đủ điều kiện cũng kiếm cho mình một cái nghề, số ít còn lại vẫn gắn bó với cây dao cạo. Tuy nhiên, mỗi lần về quê, tôi lại nghe mẹ kể thằng Lân cuối xóm, con Hằng nhà bên cũng bỏ nghề ra thị trấn làm công ty mà thương cái nghiệp gắn bó với bao đời ở quê mình. Những cánh rừng cao su bạt ngàn dần ngã xuống nhường lại cho các dự án cao tốc, khu công nghiệp, sân bay Long Thành để đưa quê tôi “lột xác”.
Nông trường Đồng Nai cũng bắt đầu đón nhận những lớp công nhân mới từ cao nguyên đá Đồng Văn. Bất chợt trong lần về quê, tôi thấy một cô gái xinh đẹp mặc chiếc áo truyền thống H’Mông đang học cạo mủ bên một anh công nhân. Hành trang khi rời cao nguyên đá vào Nam của họ cũng chỉ một chiếc ba lô nhỏ đựng quần áo song trong mắt những chàng trai cô gái trẻ ánh lên niềm tin cây cao su và vùng đất lành miền Đông sẽ giúp họ có cuộc sống đủ đầy hơn.
2 năm trước, khi lực lượng cạo mủ ở địa phương khan hiếm, ngành cao su Đồng Nai đã có sáng kiến tìm nguồn lao động từ các huyện miền núi phía Bắc. Từ chỉ có vài chục người, đến nay các nông trường cao su ở Long Khánh, Cẩm Mỹ, Long Thành… gần 1.000 công nhân Hà Giang đang lập nghiệp trên vùng đất mới. Vùng đất nghĩa tình, luôn bao dung chào đón những con người từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Khi nơi ăn chốn ở, công việc ổn định, cây cao su đã dần trở thành quen thuộc, gắn bó với những lớp công nhân mới này. Tết đến, những món quà, những chiếc xe máy mới được họ dành dụm theo chân về quê trong niềm vui bất tận mà cây cao su mang lại. Tôi nhớ câu ca dao “Cao su đi dễ khó về, Khi đi trai tráng, khi về bủng beo” nó không còn đúng với cuộc sống hiện tại, với những cô gái, chàng trai H’Mông đang dựng xây cuộc sống mới trên vùng đất đỏ.
Biết bao lần rừng cao su ngã xuống để những mầm xanh mới mọc lên như một vòng tuần hoàn của con người. Trong cuộc sống xô bồ, vội vã của thành phố, khi muốn tìm chút bình yên tôi lại tìm về với nó. Làng quê nghèo đã có nhiều đổi thay thì ký ức xưa với những rừng cao su vẫn còn mãi luôn chào đón những đứa con trở về.
“Trong đấu tranh người miền đông anh dũng/Trong lao động người lại cũng anh hùng/Mạch đất ung dung cùng người chung sức mới/Dang rộng chân trời rạng rỡ những mùa xuân”, lời ca của nhạc sĩ Trần Long Ẩn đâu đó vang lên trong dòng hoài niệm…