Trà Hoa Vàng Có Giá Trị Kinh Tế Và Y Học Cao, Được Mệnh Danh Là 'Nữ Hoàng' Của Các Loại Trà.
LÂM ĐỒNG Thời điểm này, trà hoa vàng ở Đạ Huoai đang nở rộ, người dân đang tiến hành thu hái. Đây là loại trà có giá trị cao về kinh tế và y học.

“Nữ hoàng” của các loại trà

Những ngày giáp Tết, người dân ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đang tất bật thu hoạch trà hoa vàng.

Theo người dân nơi đây, quần thể trà hoa vàng được phát hiện trong các cánh rừng tự nhiên ở huyện Đạ Huoai. Đây là loại trà có giá trị kinh tế và y học cao, được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại trà. Trà có hương vị thơm ngon, giúp tăng cường, bồi bổ sức khỏe và có khả năng ngăn ngừa nhiều bệnh. Đối với cây trà hoa vàng, lá, hoa và búp non đều có thể sử dụng được.

Trà Hoa Vàng Có Giá Trị Kinh Tế Và Y Học Cao, Được Mệnh Danh Là 'Nữ Hoàng' Của Các Loại Trà.

Trà hoa vàng có giá trị kinh tế và y học cao, được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại trà.

Tại huyện Đạ Huoai, trà hoa vàng nở hoa kéo dài từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau nên đây là thời điểm người dân tập trung thu hoạch, còn lá có thể thu hái vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Thông thường, người dân sẽ thu hái búp và hoa vàng tươi để bán cho các thương lái ở địa phương. Mỗi ngày người dân có thể thu hái từ 2 – 4kg hoa và búp, bán với giá khoảng 200 nghìn đồng/kg, thu về 400 – 800 nghìn đồng. 

Sau khi thu hái, búp và hoa của cây trà hoa vàng có thể sử dụng làm dược liệu tươi hoặc phơi, sấy thành trà hoa vàng khô để sử dụng. Để chế biến được 1kg trà hoa vàng khô cần 7kg trà hoa vàng tươi.

Trà hoa vàng tập trung chủ yếu ở các xã Phước Lộc, Hà Lâm, Đạ Tồn của huyện Đạ Huoai. Ngoài sản lượng thu hoạch trà hoa vàng từ cây trong tự nhiên, hiện một số doanh nghiệp và người dân đã nhân giống và trồng thành công loại cây này.

Trà Hoa Vàng Được Áp Dụng Công Nghệ Sấy Thăng Hoa Để Giữ Được Màu Sắc Và Hương Vị. Ảnh: Minh Hậu.

Trà hoa vàng được áp dụng công nghệ sấy thăng hoa để giữ được màu sắc và hương vị. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Thọ, trợ lý kỹ thuật của HTX Dịch vụ nông nghiệp Trà hoa vàng Phương Nam Đạ Huoai cho biết, trà hoa vàng là giống cây quý của huyện Đạ Huoai. Tuy nhiên, đây là loài cây khó trồng, chậm lớn. Vốn là cây rừng bản địa nên trà hoa vàng có thời gian sinh trưởng rất dài. 

“HTX đang có 3ha trà hoa vàng, trong đó 0,5ha đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, HTX đang trồng mới thêm 5ha. Trà hoa vàng sau khi trồng khoảng 4,5 năm sẽ bắt đầu nở hoa và thu hoạch. Đối với lá, sau khi trồng khoảng 2,5 năm thì thu hoạch được”, ông Nguyễn Thọ nói và cho biết thêm, ngoài lượng trà hoa vàng trồng được, HTX còn thu mua thêm của một số hộ dân liên kết để chế biến. Sản lượng mỗi năm của HTX khoảng 150kg trà khô.

Trà hoa vàng được HTX chế biến thành các sản phẩm như: Trà hoa vàng sấy thăng hoa, bột trà matcha và trà túi lọc sản xuất từ lá của cây trà hoa vàng. Trong đó, sản phẩm trà hoa vàng sấy thăng hoa đã được chứng nhận OCOP 3 sao, hộp có trọng lượng 85gram hiện đang được HTX bán với giá 450 nghìn đồng.

Bảo tồn để phát triển bền vững

Để sản xuất trà hoa vàng bền vững, công tác bảo tồn loài cây này đang được chính quyền huyện Đạ Huoai cũng như người dân địa phương chú trọng.

Xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai) chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, chính vì vậy người dân từ xưa đến nay đều dựa vào rừng, bảo vệ rừng, cộng sinh cùng rừng để phát triển. Từ những giá trị mang lại, việc bảo tồn loài trà hoa vàng quý hiếm mọc ở các khu rừng là nhiệm vụ mà chính quyền địa phương và người dân nỗ lực thực hiện.

Sau Khi Thu Hái, Búp Và Hoa Của Cây Trà Hoa Vàng Có Thể Sử Dụng Làm Dược Liệu Tươi Hoặc Phơi, Sấy Thành Trà Hoa Vàng Khô Để Sử Dụng.  Ảnh: Minh Hậu.

Sau khi thu hái, búp và hoa của cây trà hoa vàng có thể sử dụng làm dược liệu tươi hoặc phơi, sấy thành trà hoa vàng khô để sử dụng.  Ảnh: Minh Hậu.

Để bảo tồn cây trà hoa vàng, ngoài việc thu hái từ nguồn tự nhiên ở rừng, người dân ở xã Phước Lộc còn nhân giống để trồng tại vườn của gia đình. Việc này giúp người dân gia tăng thêm sản lượng và giảm áp lực khai thác từ cây mọc tự nhiên trong rừng.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phối hợp cùng các chủ rừng, các tổ hộ nhận khoán tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Điều này giúp cây trà hoa vàng được bảo vệ trong các cánh rừng tự nhiên.

Ông Hoàng Thanh Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Huoai cho biết, trà hoa vàng là sản phẩm đặc sản của địa phương, có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh công tác bảo tồn, nhân giống trà hoa vàng và đang được thực hiện tốt. Toàn huyện hiện có 2 cơ sở sản xuất trà hoa vàng để phục vụ các thị trường như Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa…

Theo nghiên cứu của các nước tiên tiến trên thế giới, trong hoa và lá của cây trà hoa vàng có tới 33,8% hoạt chất có tác dụng ức chế, tác động và giảm sự phát triển của tế bào ung thư. Các hoạt chất trong lá, hoa của trà hoa vàng có tác dụng hạ huyết áp, giảm tiểu đường, hạ cholesterol, chống u bướu.

Bên cạnh đó, tăng cường hệ miễn dịch, giảm xơ vữa động mạch, phòng ngừa các bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị các triệu chứng rối loạn thần kinh như: Alzheimer hay Parkinson, chống viêm loét dạ dày…

Bài Viết Liên Quan