PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có những khuyến cáo để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc, đảm bảo an toàn thực phẩm những ngày nắng nóng tại TP.HCM.
Nắng nóng cao điểm ở TP.HCM tiềm ẩn nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Hàng quán và thực khách cần làm gì để đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe của chính mình cũng như những người xung quanh những ngày này?
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh chưa chắc an toàn tuyệt đối
* Cảm ơn PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan đã dành thời gian cho Báo Thanh Niên. Thưa bà, vì sao thời tiết nắng nóng dễ gây ra các sự cố về an toàn thực phẩm?
Thời tiết nóng, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi sinh vật sinh sôi nảy nở. Đây cũng là nguyên nhân khiến thực phẩm dễ bị hỏng, ôi thiu, gây nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm. Ngược lại, khi nhiệt độ thấp vi khuẩn ít phát triển. Đó là lý do người ta thường bảo quản thực phẩm trong tủ mát, tủ lạnh.
* Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có khuyến cáo gì với người dân trong thời tiết nắng nóng ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong thời điểm hiện tại?
Lưu ý đầu tiên là trong bất kỳ tình huống nào cũng phải ăn chín uống sôi. Tôi không khuyến khích sử dụng những món tái tái, sống sống thời điểm này. Bởi với điều kiện nắng nóng vi khuẩn phát triển cực kỳ nhanh. Chúng ta đừng chủ quan là mình đủ sức đề kháng. Đôi khi, kể cả những người to khỏe nhất vẫn có thể trúng thực, ngộ độc thực phẩm.
Những món như gỏi cá sống, thịt bò tái… chúng tôi đều không khuyên dùng trong thời điểm này. Uống, mọi người nên sử dụng nước đã đun sôi hoặc nước suối đóng chai, nước ngọt đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tới chất lượng của đá uống kèm.
Bên cạnh phong cách ăn uống, mỗi người nội trợ cần chịu trách nhiệm cho mỗi bếp ăn gia đình của mình. Thực phẩm nên mua ở cơ sở hợp pháp, đừng mua trôi nổi. Mua thực phẩm đạt chuẩn là một chuyện, nhưng sau đó bảo quản, chế biến đúng cách, ăn ngay không nên để quá lâu trong tủ lạnh cũng là yếu tố quan trọng. Thời tiết nắng nóng này, nhiều thực phẩm chỉ cần để qua một buổi thôi đã ôi thiu, đừng nói để qua đêm. Đặc biệt, cần có sự chọn lọc khi mua, tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm nào.
* Bà có khuyến cáo nào dành cho các chủ hàng quán ở TP.HCM trong thời điểm nắng nóng?
Nắng nóng, chủ hàng quán cần lưu ý trong việc bảo quản thực phẩm. Nhiều quán bán cả ngày, thậm chí bán qua đêm, việc đảm bảo chất lượng của các nguyên liệu là vô cùng quan trọng vì với thời tiết nắng nóng này dễ ảnh hưởng tới chất lượng món ăn.
Nếu chủ quán bảo quản thực phẩm không tốt, thực khách đau bụng thì quán ăn đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh. Trong khi hiện tại, nhiều hàng quán ở TP.HCM kinh doanh khó khăn bởi trong quá trình thẩm định, kiểm tra thời gian qua, chúng tôi ghi nhận nhiều nơi đóng cửa, không hoạt động tiếp.
Với những quán có máy lạnh, thực phẩm được bảo quản trong tủ mát, tủ lạnh sẽ giữ được chất lượng thực phẩm lâu hơn, nhưng cũng không nên chủ quan. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh không có nghĩa là an toàn tuyệt đối bởi nó vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn chéo, gây mất an toàn thực phẩm. Các chủ quán cũng cần chú ý tới hạn sử dụng, chất lượng nguyên liệu của mình.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” 2024 có gì đặc biệt?
* Món ăn đường phố bán trước cổng trường học gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm cho các em học sinh ở một tỉnh thành khác thời gian qua đang được dư luận quan tâm. Sở An toàn thực phẩm làm thế nào để kiểm soát tình trạng này ở TP.HCM?
Với những nơi bán món ăn đường phố trước cổng trường thường là những hàng quán di động, phương tiện bảo quản thực phẩm không nhiều, việc vệ sinh chén bát cũng khó. Chưa kể họ di chuyển, đi lại nhiều nơi khiến nguy cơ vi khuẩn xâm hại thực phẩm cao, không đảm bảo an toàn.
Đáng lo ngại hơn khi đối tượng khách hàng mà những hàng quán này hướng tới là trẻ em. Chúng tôi vẫn đang tập trung kiểm soát chặt chẽ vấn đề bán thức ăn đường phố trước cổng trường nói riêng và thức ăn đường phố ở TP.HCM nói chung.
Với 15.400 cơ sở bán thức ăn đường phố ở TP.HCM, chúng tôi tập trung tăng cường nhận thức cho họ như tập huấn, trang bị dụng cụ nấu ăn hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, cũng thường xuyên kiểm tra nguồn cung ứng thực phẩm, hóa đơn chứng từ xem họ mua thịt cá rau củ quả để chế biến từ điểm nào. Họ cũng nằm trong đối tượng thường xuyên lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có hành vi vi phạm, gây mất an toàn thực phẩm, chúng tôi sẽ xử lý thẳng tay. Có những người bán sushi, nấu cơm ngày hôm trước tới sáng hôm sau mới cuộn làm rồi đem bán cho học sinh, nguy cơ mất an toàn thực phẩm là rất lớn.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là nhận thức của người dân. Phụ huynh có con nên khuyến khích các cháu ăn uống trong căn tin, bếp ăn nhà trường, bởi ở đây nguồn gốc thực phẩm được kiểm soát và nếu có vấn đề gì xảy ra, sẽ có người chịu trách nhiệm.
* Ngày 17.4, Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TP.HCM vừa tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 với chủ đề: Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Tháng hành động này có các hoạt động nào nổi bật, thưa bà?
Tăng cường thanh tra, kiểm tra là một trong những hoạt động chủ yếu của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay, trong bối cảnh nhiều thử thách, nguy cơ như thế này.
Chúng tôi đã có kế hoạch thanh – kiểm tra của các đội quản lý an toàn thực phẩm ở 21 quận huyện và TP.Thủ Đức, cũng như có sự ra quân của các đoàn kiểm tra liên ngành của các quận huyện, quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng công an kinh tế, cảnh sát môi trường…
Chúng tôi tập trung nhiều hơn vào thanh tra đột xuất và đặc biệt chú ý an toàn thực phẩm trong trường học vì tôi đánh giá tháng này nắng nóng, những nguy cơ tiềm ẩn trong bếp ăn tập thể căn tin trường học cũng như bên ngoài trường học vẫn còn.
Dù rằng trong năm qua chúng tôi đã có rất nhiều các hoạt động đi rà soát, giám sát, kiểm tra, tuy nhiên nguy cơ vẫn còn đó. Tới thời điểm này, chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào, nhưng chúng tôi không lơ là cảnh giác bởi nguy cơ mất an toàn thực phẩm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.