Ngành điều Việt Nam vươn lên vị trí số 1 thế giới nhờ làm chủ công nghệ. Nhưng công nghệ Việt cũng đang giúp hạt điều châu Phi cạnh tranh với điều Việt Nam.
Đứng đầu thế giới nhờ làm chủ công nghệ
Suốt từ năm 2006 đến nay, ngành điều Việt Nam luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hiện nay, Việt Nam đang chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu của thế giới. Với việc chiếm tỷ trọng lớn như trên, theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, Việt Nam đang là công xưởng gia công, chế biến điều thô lớn nhất trên thế giới, xuất khẩu cho các thị trường tiêu thụ cuối cùng (Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, các thị trường ngách châu Á). Lượng điều thô được chế biến bởi các nhà máy điều Việt Nam chiếm 60% sản lượng điều thô toàn cầu.
Nguyên nhân chính giúp cho ngành điều Việt Nam đứng đầu thế giới về chế biến và xuất khẩu điều nhân là làm chủ hoàn toàn công nghệ chế biến hạt điều. Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas khẳng định, lợi thế lớn nhất của ngành điều Việt Nam chính là công nghệ chế biến điều tiên tiến nhất thế giới do chính người Việt sản xuất.
Để làm chủ được công nghệ chế biến điều, ngành điều Việt Nam đã trải qua hàng chục năm học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo… với sự đóng góp công sức rất lớn của các thế hệ kỹ sư, công nhân chế tạo máy và những chủ doanh nghiệp chế biến điều.
Đặc biệt, từ 2008 – 2010, Vinacas đã đề xuất và được giao triển khai chương trình khoa học – công nghệ cấp nhà nước “Hoàn thiện công nghệ, thiết kế, chế tạo máy tự động tách vỏ hạt điều và máy bóc vỏ lụa nhân điều trong dây chuyền chế biến điều xuất khẩu”. Năm 2011, chương trình này được Hội đồng Khoa học Nhà nước đánh giá xuất sắc, mở ra giai đoạn phát triển rực rỡ của ngành chế biến điều.
Hơn 10 năm qua, nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa, ngành điều Việt Nam đã giải quyết được một loạt vấn đề nan giải. Sự ra đời của hàng loạt các loại máy móc, thiết bị như máy cắt tách vỏ hạt điều, máy bóc vỏ lụa, máy phân loại màu, máy phân kích cỡ đã giúp ngành điều giảm 70 – 80% lao động, qua đó khắc phục được tình trạng khan hiếm lao động.
Các loại máy móc, thiết bị đã giúp cho các nhà máy nâng cao năng suất chế biến, giảm thời gian trong các công đoạn chế biến, giúp cho quy trình sản xuất điều nhân từ khâu xuất kho nguyên liệu đến đóng gói thành phẩm từ 13 – 14 ngày giảm còn 7 ngày. Đặc biệt, các loại máy móc, thiết bị do Việt Nam sản xuất đã giúp các nhà máy điều giảm đáng kể tỷ lệ nhân vỡ so với sản xuất thủ công, với mức giảm cao hơn nhiều so với máy móc, thiết bị cùng loại của nước ngoài. Chính vì vậy, một số công ty của Ý, Ấn Độ, Brazil… đã phải mua máy móc, thiết bị chế biến điều của Việt Nam về bổ sung những khiếm khuyết trong công nghệ của họ.
Các loại máy móc, thiết bị do Việt Nam sản xuất đã giúp các nhà máy điều giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa giúp các nhà máy có thể chế biến tập trung, qua đó kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo tốt hơn. Các phụ phẩm như vỏ hạt điều cũng đã được dùng để sản xuất dầu điều, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Góp phần thúc đẩy ngành chế biến điều châu Phi
Với việc ngành điều Việt Nam nhờ làm chủ công nghệ mà đã vượt qua Ấn Độ để đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân liên tục từ năm 2006 đến nay, từ lâu, công nghệ chế biến điều của nước ta đã thu hút được sự quan tâm từ nhiều quốc gia. Khi chú trọng phát triển chế biến điều trong nước để giải quyết công ăn việc làm, gia tăng giá trị cho hạt điều bản địa, các quốc gia châu Phi đã tìm đến Việt Nam để mua thiết bị, công nghệ chế biến điều.
Những năm gần đây, với sự “hỗ trợ” của công nghệ Việt Nam, điều nhân châu Phi đã xuất hiện trên thị trường thế giới. Dù sản lượng chưa nhiều nhưng điều nhân châu Phi cũng đang tạo ra sự cạnh tranh nhất định trên các thị trường lớn. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trong top 5 thị trường cung cấp hạt điều cho Hoa Kỳ năm 2023, có 2 nước từ châu Phi là Bờ Biển Ngà (đứng thứ hai sau Việt Nam) và Nigeria (đứng thứ 4).
Đặc biệt, tại EU, lượng điều nhân nhập khẩu từ một số nước châu Phi đang tăng nhanh. Cụ thể, 11 tháng năm 2023, điều nhân Bờ Biển Ngà nhập khẩu vào EU đạt 16,6 nghìn tấn, trị giá 98 triệu USD, tăng 41% về lượng và 25% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022. Cũng trong thời gian này, lượng điều nhân từ một nước châu Phi khác là Burkina Faso nhập khẩu vào EU đạt 2.765 tấn, trị giá 18,5 triệu USD, tăng 16% về lượng và 13% về kim ngạch.
Tại thị trường EU, điều nhân châu Phi đang có lợi thế hơn so với điều nhân Việt Nam nhờ giá cạnh tranh hơn do có sự hỗ trợ từ chính phủ trong việc khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, đồng thời có sẵn nguồn nguyên liệu điều thô tại chỗ và cước vận chuyển thấp hơn hẳn. Mặt khác, điều nhân châu Phi nhập khẩu vào EU còn được hỗ trợ từ chính sách của các nước châu Âu nhằm khuyến khích ngành công nghiệp chế biến điều phát triển ở châu Phi để giải quyết công ăn việc làm, giảm bớt tình trạng đói nghèo, qua đó, làm giảm dòng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu.
Việc các quốc gia châu Phi mua công nghệ chế biến điều Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp chế biến điều nội địa đang có những tác động bất lợi với ngành điều Việt Nam. Trước hết, nhiều nước châu Phi đã ban hành giá sàn đối với điều thô xuất khẩu nhằm hạn chế xuất khẩu điều thô, khuyến khích chế biến điều nhân. Điều này khiến cho dù sản lượng điều thô toàn cầu đang dồi dào, nhưng giá điều thô lại thường ở mức không hợp lý so với giá điều nhân. Do đó, dù lượng xuất khẩu tăng cao trong năm 2023 nhưng đại đa số nhà máy điều Việt Nam không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ và đứng trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt.
Điều nhân châu Phi tham gia vào thị trường thế giới ngày càng nhiều cũng đang gây sức ép cạnh tranh nhất định đối với điều nhân Việt Nam. Như tại thị trường EU, trong khi lượng hạt điều nhập khẩu từ các nước châu Phi như Bờ Biển Ngà, Burkina Faso tăng rất mạnh thì nhập khẩu từ Việt Nam (nguồn cung lớn nhất trong nhiều năm qua) lại chỉ tăng ở mức khiêm tốn là 3% trong 11 tháng năm 2023. Mức tăng này chưa bằng một nửa so với tăng trưởng chung về lượng hạt điều nhập khẩu vào EU là 7,2%.
Trước sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến điều châu Phi, với công nghệ chủ yếu đến từ Việt Nam, trong những năm qua, ngành điều đã có những tranh luận khá gay gắt xoay quanh việc có nên đề nghị nhà nước cấm xuất khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị chế biến điều sang châu Phi hay không.
Đến nay, tranh luận này đã lắng xuống vì công nghệ chế biến điều không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm xuất khẩu. Các công ty chuyên sản xuất, cung ứng máy móc, thiết bị chế biến điều cũng cần đa dạng hóa thị trường, khách hàng để mở rộng quy mô, gia tăng lợi nhuận, nhất là khi ngành công nghiệp chế biến điều đang phát triển ở châu Phi – khu vực sản xuất điều thô lớn nhất thế giới. Xuất khẩu máy móc, thiết bị chế biến điều cũng đang mang thêm ngoại tệ về cho đất nước và đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu nói chung. Thậm chí có những công ty mà thị trường chính là châu Phi chứ không phải Việt Nam.
Ông Đặng Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Mekong chia sẻ, từ năm 2010 đến nay, công ty đã xuất khẩu các loại máy móc, thiết bị chế biến điều sang nhiều nước châu Phi như Bờ Biển Ngà, Nigeria, Tanzania… Ngành điều ở những nước này đều đánh giá rất cao máy móc, thiết bị chế biến điều do Việt Nam sản xuất.