Sơn Bua là xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Nhằm hỗ trợ cho địa phương phát triển kinh tế nâng cao đời sống người dân, năm 2018, Trung ương đoàn, tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện dự án Làng thanh niên lập nghiệp. Đây cũng là một trong 15 làng thanh niên lập nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Với sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành cũng như tỉnh đoàn Quảng Ngãi, đến nay, dự án đã cho thấy hiệu quả khi có nhiều hộ làm kinh tế rất tốt. Nhiều gia đình đã áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm tải sức người và làm tăng chất lượng, sản lượng của cây trồng, vật nuôi. Một số sản phẩm nông nghiệp của làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua ngày càng hoàn thiện và có khả năng phân phối trên thị trường.
Tuy nhiên, thời gian qua, địa phương vẫn đang gặp phải khó khăn trong vấn đề đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Để tận dụng ưu thế về sản phẩm và vượt qua những thách thức này, vấn đề đặt ra là cần áp dụng những biện pháp đột phá trong quản lý sản xuất, tiếp thị và phân phối nhằm tiếp cận thị trường tiêu dùng nhanh chóng và mở rộng hơn nữa.
Trước thực tế này, vừa qua, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi phối hợp cùng các chuyên gia thực hiện chương trình tập huấn Vedu về “nâng cao năng lực xây dựng các nội dung số trên nền tảng mạng xã hội”; Bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Tây năm 2023.
Theo đó, lớp tập huấn Vedu đã mở ra một cơ hội, tiềm năng tương lai cho sự phát triển đột phát hơn của làng thanh niên xã Sơn Bua. Đặc biệt là trong việc phân phối sản phẩm nông sản, quảng bá văn hóa địa phương ra khắp cả nước thông qua mạng xã hội. Một trong những điểm nổi bật của chương trình là sự đào tạo và áp dụng thương mại điện tử (e-commerce) và marketing online.
Anh Nguyễn Hùng Cường (thành viên làng thanh niên Sơn Bua) cho biết, trước đây, các đoàn viên trong làng thường dựa vào phương pháp truyền thống để quảng bá sản phẩm, chi phí trong công tác phân phối rất cao nhưng hiệu quả thấp. “Giờ đây, nhờ sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên chương trình, chúng tôi đã nắm vững cách tạo hình ảnh sản phẩm đẹp và chuyên nghiệp. Các thành viên còn biết cách quay ấn phẩm quảng cáo sản phẩm để tạo ưu thế, mở ra triển vọng bứt phá từ việc cải thiện sản xuất và tiếp thị sản phẩm, giúp tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn”.
Ngoài ra, xu hướng này còn được kết hợp với việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Công nghệ đối với nông nghiệp không chỉ bao gồm việc quản lý sản xuất mà còn mở ra cơ hội đổi mới trong việc quản lý tài nguyên, quản lý dữ liệu và tự động hóa quá trình sản xuất. Các học viên sau khóa đào tạo đã biết cách sử dụng công nghệ thông tin để theo dõi dữ liệu sản xuất và tạo ra kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn. Điều này giúp họ nâng cao năng suất và giảm thiểu lãng phí, cải thiện cả môi trường sản xuất và hiệu suất kinh doanh.
Ông Lê Quý Tùng, giảng viên đào tạo cho biết: “Chương trình chuyển đổi số Vedu đã chỉ ra những triển vọng to lớn cho các sản phẩm nông nghiệp của làng thanh niên Sơn Bua. Từ đó giúp cộng đồng tại địa phương trở thành những chuyên gia xây dựng hình ảnh và quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Hinh, người đứng đầu dự án Vedu chia sẻ, mục tiêu của khóa đào tạo chuyển đổi số cho đoàn viên thanh niên tại Sơn Bua là thúc đẩy nhật thức trong tư duy về việc phân phối các sản phẩm nông sản. Hoạt động phân phối nhỏ lẻ tại địa phương trước đây sẽ được thay thế bằng cách thức tiếp cận nền kinh tế số, phân phối rộng khắp nhờ thương mại điện tử. Từ đó nâng cao thu nhập cho đoàn viên thanh niên và góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới.