Chất lượng từ vùng nguyên liệu
Vùng đất Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) với độ cao thích hợp cùng khí hậu ôn hòa, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây cà phê. Hiện nay, toàn huyện có 33 nghìn ha cà phê với toàn bộ diện tích là giống robusta. Cà phê robusta của Bảo Lâm có những nét riêng, cây dễ chăm sóc, cho năng suất cao, bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Hạt cà phê rất to, gấp đôi so với các loại hạt cà phê khác nên rất được các nước châu Âu ưu chuộng.
Nhận thấy lợi thế đó, anh Bùi Thế Gốt (ngụ xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) với niềm đam mê dành cho cà phê đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài và xây dựng nên thương hiệu GOT Coffee vào năm 2017 hoạt động song song với đại lý phân bón hữu cơ của gia đình được mở trước đó.
Chị Nguyễn Thị Thọ (vợ anh Bùi Thế Gốt, Giám đốc Công ty Nguyên Phúc Nông – đơn vị sản xuất cà phê với thương hiệu GOT Coffee) cho biết: Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm cà phê sạch, không sử dụng hương liệu tẩm ướp, giữ lại vẹn nguyên hương vị cà phê cũng như đưa nông sản địa phương vươn tầm quốc tế, từ ban đầu, GOT Coffee luôn nỗ lực, xuyên suốt một quy trình chăm sóc để cho ra những hạt cà phê ngon như mong đợi.
Chị Thọ cho biết thêm, để sản xuất ra những sản phẩm cà phê chất lượng cao đến với người tiêu dùng, nguồn nguyên liệu được GOT Coffee lựa chọn rất kỹ từ những nông trại cà phê thực hiện nghiêm ngặt quy trình canh tác, đảm bảo đạt chuẩn hữu cơ thuần khiết. Bởi từ cây giống cho đến quy trình chăm sóc đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cũng như hương vị của cà phê.
Với lợi thế tiền thân là đại lý phân bón hữu cơ, GOT Coffee cung cấp phân bón trực tiếp cho các nông hộ liên kết, quản lý chặt chẽ quy trình chăm sóc cây cà phê của các nông hộ, từ đó kiểm soát được chất lượng cà phê ngay từ vùng nguyên liệu.
Hiện nay, GOT Coffee đang liên kết với 15 hộ dân ở khu vực Bảo Lâm để trồng cà phê chất lượng cao theo hướng hữu cơ và tiếp tục mở rộng diện tích để đảm bảo sản lượng cung ứng cho thị trường. Ngoài việc liên kết với các nông hộ sản xuất cà phê, GOT Coffee còn liên kết với Bình Đông Farm, Future Farm để mở rộng thêm nguồn nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn theo yêu cầu.
Áp dụng tiêu chuẩn SCA vào sản xuất cà phê
Với mong muốn mang những sản phẩm cà phê chất lượng cao đến với người tiêu dùng Việt Nam cũng như thay đổi nhìn nhận của các nước trên thế giới về chất lượng cà phê của Việt Nam, GOT Coffee đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất cà phê chất lượng cao bằng việc áp dụng tiêu chuẩn SCA (Specialty Coffee Association) vào sản xuất từ khâu sơ chế đến rang xay, pha chế.
Bên cạnh đó, GOT Coffee mời chuyên gia từ Malaysia đến cơ sở để đánh giá chất lượng cà phê, giảng dạy các kỹ thuật chế biến sau thu hoạch, rang, xay đạt chuẩn cho nhân viên của Công ty cũng như nông dân, người pha chế, chủ doanh nghiệp cà phê trong vùng cũng như từ các địa phương khác.
Đối với quy trình chế biến, GOT Coffee áp dụng tiêu chuẩn SCA vào quá trình sản xuất, cà phê được thu hái chín 100%, sau đó được đem đi sàng lọc những quả không đạt chất lượng và được sơ chế trong vòng 24h để đảm bảo chất lượng, hương vị.
Sau khi qua các công đoạn sàng lọc và sơ chế, cà phê được đem phơi trên giàn phơi trong nhà kính có kiểm soát nhiệt độ giúp đảm bảo vệ sinh và giữ được hương vị tự nhiên thuần khiết nhất.
Cà phê thu được từ quá trình phơi khô được mang tới Viện Chất lượng Cà phê (CQI) để chấm điểm. Sản phẩm cà phê của GOT Coffee được CQI chấm 84.42 điểm cho chất lượng, đây là kết quả xứng đáng cho những công sức của GOT Coffee với toàn bộ quá trình từ khâu chăm sóc đến khâu chế biến.
Những hạt cà phê sau khi trải qua quá trình đánh giá chất lượng được mang đi rang mộc, không dùng hương liệu tẩm ướp để giữ được hương vị thật của cà phê. Quá trình rang được thực hiện bởi thợ rang lành nghề, được kiểm soát bằng máy tính qua mọi tiến trình theo tiêu chuẩn SCA giúp cà phê đạt được sự cân bằng hoàn hảo về hương vị và hương thơm.
Sản lượng cà phê chất lượng cao GOT Coffee cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt hơn 30 tấn, chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Malaysia. Thời gian tới, GOT Coffee sẽ mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản…
Với việc nhận được đơn hàng từ các đối tác ở Mỹ, dự kiến trong năm 2023, sản lượng cà phê chất lượng cao GOT Coffee cung cấp cho thị trường khoảng 50 tấn, vùng nguyên liệu được mở rộng lên gấp đôi.
Để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu theo đơn hàng ngày càng tăng, thời gian tới, GOT Coffee sẽ tiếp tục mở rộng liên kết vùng nguyên liệu với một số hộ nông dân trồng cà phê theo quy trình chuẩn hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo Lâm cho biết: GOT Coffee là doanh nghiệp đi đầu trong việc sản xuất cà phê chất lượng cao trên địa bàn huyện bằng việc ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất.
Với việc liên kết cùng các nhóm hộ sản xuất theo quy trình của GOT Coffee, cà phê nguyên liệu được GOT Coffee thu mua theo hợp đồng liên kết sản xuất với giá cao hơn thị trường từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Với lợi thế đó, mô hình ngày càng được nhân rộng.