ĐBSCL đang đối mặt với 3 thách thức ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế vùng: các đập thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển không bền vững, khai thác tài nguyên quá mức dẫn đến suy thoái.
Thay đổi thứ tự ưu tiên: thủy sản, trái cây, lúa gạo
Nghề nông làm lúa vốn đã thành gốc rễ ăn sâu vào tâm trí người nông dân. Chính vì thế mà lâu nay người dân ĐBSCL tập trung thâm canh cây lúa ba vụ một năm. Việc này tạo sản lượng lúa khá lớn xuất khẩu ra thế giới nhưng để lại hậu quả to lớn.
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước, nhưng nông dân trồng lúa hầu hết thu nhập chưa cao |
công hân |
Với hơn 24 triệu tấn lúa được sản xuất mỗi năm có nghĩa là sức khỏe của đất đã bị vắt kiệt mới cho ra ngần ấy sản lượng. Gánh hàng triệu tấn phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt ốc sên cũng gây ô nhiễm nước nghiêm trọng. Thâm canh thế này mãi là điều không tốt chút nào.
Bởi vì mũi nhọn là trồng lúa nên mỗi khi nhắc đến biến đổi khí hậu người nông dân rất lo lắng. Nhưng điều này chúng ta chỉ nên xem là thách thức chứ không hẳn nguy cơ bi quan và cực đoan. Chúng ta càng cố chống lũ, xâm nhập mặn càng gây tốn kém tiền của đồng thời gây nên nhiều hệ lụy.
Sự can thiệp thô bạo với những công trình đê bao khép kín ngăn lũ tách đồng ruộng ra khỏi nước lũ làm cho nước không trao đổi được với ruộng vườn và gây thiếu nước trong mùa khô. Nó làm giảm lượng phù sa và tích tụ chất độc từ hoạt động trồng lúa càng khiến nước thêm ô nhiễm. Ngăn lũ cho lúa nhưng lại đẩy ngập lụt sang khu vực khác thì hậu quả thật khôn lường.
Thay vì chống lại chúng ta hãy chủ động sống chung với lũ, tìm cách thích ứng tốt nhất và tôn trọng quy luật tự nhiên. Mặt trái của lũ là tàn phá mùa màng nhưng mặt phải lại mang phù sa bồi đắp cho ruộng đồng. Nước mặn, nước lợ không hẳn là kẻ thù mà hãy xem đó cũng là tài nguyên quý. Có những loài tôm sống ở nước ngọt nhưng lại cần vùng nước lợ để sinh sản.
Trước đây, để giải quyết nạn đói, thứ tự ưu tiên sản phẩm trụ cột của ĐBSCL là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Hôm nay để thích ứng với biến đổi khí hậu và thời buổi kinh tế nên thay đổi thứ tự: thủy sản, trái cây, lúa gạo. Tôi nghĩ chúng ta cần giảm thâm canh cây lúa mà nên hướng đến chất lượng gạo nhiều hơn. Trồng lúa hữu cơ tuy năng suất thấp nhưng bán được giá và đặc biệt có lợi cho việc nuôi thủy sản trên đồng ruộng.
Khi gốc lúa sạch thì tôm, cua sẽ sinh sống và phát triển tốt đem năng suất cao. Tận dụng xác bã trong ao tôm để làm nguồn dinh dưỡng cho cây lúa. Nên nhân rộng mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Hoặc luân canh mùa nắng lấy nước mặn vào ruộng nuôi thủy sản và mùa mưa sổ mặn trồng lúa. Chọn giống lúa ngắn ngày chịu hạn tốt để có thể chống chịu với mùa khô. Đồng thời xây hồ dự trữ nước điều tiết nước ngọt ứng phó biến đổi khí hậu trong mùa khô.
Sản lượng nông sản lớn nhưng chưa giàu
ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây của cả nước. Nhưng đáng buồn là người dân chưa thật sự giàu có và không ít lần rơi vào tình thế được mùa mất giá phải xin giải cứu nông sản. Làm thế nào để người nông dân khấm khá hơn, làm thế nào để “điệp khúc” giải cứu thôi lặp lại là bài toán nan giải của các nhà lãnh đạo địa phương.
Nông dân thu hoạch tôm từ mô hình “con tôm ôm cây lúa” |
anh phương |
ĐBSCL có nhiều sản phẩm đặc sản ở từng địa phương mà nếu biết cách nâng tầm sẽ thành thương hiệu nổi bật cho từng vùng. Người nông dân không nên vì lợi ích trước mắt mà tự ý chuyển đổi từ trồng lúa sang trái cây hay bỏ trồng trọt sang chăn nuôi. Cần đi theo định hướng quy mô mỗi vùng một sản phẩm thật nổi bật. Ví dụ nhắc đến Vĩnh Long ta có bưởi Năm Roi hay Tiền Giang có xoài cát Hòa Lộc
Hình thành nên vùng nguyên liệu liền kề với sự tham gia dẫn dắt của các hợp tác xã. Đặt nhà máy sơ chế hoặc chế biến nông sản với đầy đủ trang thiết bị gần đó. Liên kết sản xuất theo chuỗi cần sự tham gia của 4 nhà; nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nước. Điều nhà nông cần làm là không ngừng ứng dụng khoa học kỹ thuật để gieo trồng những loại giống đem lại năng suất cao, chất lượng, đảm bảo vệ sinh theo phương châm gạo thơm – tôm sạch. Nâng cao trình độ sử dụng internet để tận dụng nền tảng số quảng bá và kết nối sản phẩm nông nghiệp đến mọi người gần xa.
Nhà doanh nghiệp phải cam kết với nhà nông đảm bảo tìm đầu ra ở những thị trường nước ngoài tiềm năng để tạo niềm tin đôi bên. Doanh nghiệp cần tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, thức ăn chăn nuôi vừa giúp nông dân giảm chi phí đầu vào vừa tạo công ăn việc làm mà cũng giúp giảm ô nhiễm môi trường. Muốn tiêu thụ nông sản nhiều hơn không chỉ biết mỗi việc xuất khẩu sản phẩm thô mà phải đẩy mạnh sản phẩm chế biến sâu.
Ví dụ chuối ta có thể tạo ra món chuối sấy, cam tạo ra nước ép hay sầu riêng làm bánh. Thực phẩm chế biến chứa chất dinh dưỡng có sức cạnh tranh hơn nhiều. Chúng ta phải bán cái thị trường cần chứ không đơn thuần bán cái chúng ta có như trước nữa. Đặc biệt là quan tâm đến bảo hộ nhãn hiệu nông sản. Bởi sản phẩm ngon thơm mà không có tên tuổi rất khó có chỗ đứng trên thị trường. Trong khi đó nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tạo ra nhiều giống cây trồng chịu được thời tiết khắc nghiệt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Và nhà nước có những chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân về nguồn vốn để họ mạnh dạn đầu tư làm ăn.
Các đập thủy điện cho chúng ta thấy rõ tác động mạnh mẽ đến dòng chảy vào mùa lũ và mùa khô, làm suy giảm hàm lượng phù sa sông Mê Kông. Sản lượng lúa, thủy sản suy giảm rõ rệt. Để giải quyết vấn đề không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi các nước có liên quan cần ngồi lại bàn bạc hạn chế xây dựng thêm các đập thủy điện. Khuyến nghị các quốc gia vùng thượng nguồn sử dụng nguồn nước sông Mê Kông sao cho bảo đảm lợi ích giữa các quốc gia.
Trong tương lai xa hơn cần tìm ra nguồn năng lượng thay thế đập thủy điện để giảm bớt áp lực trên sông Mê Kông. Nhưng đó là tương lai. Hiện tại, các địa phương nên linh hoạt, chủ động hướng dẫn người dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất mùa vụ, chọn cây trồng phù hợp và đặc biệt là tích trữ nước trong các hồ, ao để dùng trong thời kỳ cao điểm hạn hán. Cần có các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.