Vụ đông xuân 2023 – 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp với Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Công ty Thương mại Quảng Trị) thực hiện mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại Hợp tác xã Hiếu Bắc (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) với tổng diện tích 8ha, sử dụng giống lúa ST25. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, phân bón hữu cơ và dịch vụ thuê máy bay phun chế phẩm phòng trừ sâu bệnh.
Tham gia mô hình này, ông Nguyễn Tấn Lễ (thôn Định Xá, xã Cam Hiếu) trồng 0,5ha lúa ST25. Sau 103 ngày, gia đình ông Lễ sẽ thu hoạch được 3,3 tấn lúa tươi. Với giá thu mua 13 triệu đồng/tấn lúa tươi tại ruộng, ông Lễ thu về gần 43 triệu đồng, lãi ròng trên 18 triệu đồng.
Theo ông Lễ, khi liên kết với Công ty Thương mại Quảng Trị, nông dân gần như chỉ tham gia khâu làm đất và theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa, điều tiết nước… Các khâu còn lại trong quy trình sản xuất đều có người của Công ty Thương mại Quảng Trị đảm nhận.
“Hầu hết các khâu trong quy trình đều được cơ giới hóa. Về kinh tế, nếu làm tốt có thể lãi đến 40 triệu đồng/ha. Vì thế, nên duy trì việc trồng lúa hữu cơ vì vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa đem lại nhiều lợi ích về môi trường”, ông Lễ cho hay.
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho hay, mô hình được thực hiện tại xứ đồng đã được sản xuất theo hướng hữu cơ từ các vụ trước. Quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa được chăm sóc, quản lý nghiêm ngặt. Mô hình sử dụng các loại phân hữu cơ: chế phẩm sinh học, đạm cá, ốc; nước thân lá cây lên men; các loại thảo mộc; canxi photphat xương, canxi vỏ trứng, sữa trứng…
Công ty Thương mại Quảng Trị cung cấp trọn gói các dịch vụ đầu vào cho sản xuất lúa hữu cơ, cho người dân nợ 50% dịch vụ và đối trừ cuối vụ. Sản phẩm được Công ty Thương mại Quảng Trị bao tiêu với giá lúa tươi thu mua tại ruộng là 13 nghìn đồng/kg…
Mô hình trồng lúa hữu cơ tại Hợp tác xã Hiếu Bắc cho thấy cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất lúa tươi đạt 6,5 tấn/ha. Qua bảng hạch toán kinh tế cho thấy, ruộng mô hình lợi nhuận đạt trên 36,5 triệu đông/ha, cao gấp đôi so với ruộng đại trà.
“Trồng lúa hữu cơ giúp giảm ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ được sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh có tác dụng bổ sung vi lượng và dưỡng chất. Mặt khác, phân hữu cơ vi sinh còn có tác dụng thau chua, rữa phèn, cải tạo đất rất tốt. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ hướng đến tiêu chí sản xuất an toàn, quan tâm đến chất lượng, sức khỏe con người, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường sinh thái là hướng phát triển bền vững trong sản xuất” – ông Cẩn cho hay.
Cũng theo ông Cẩn, việc sử dụng mạ khay – máy cấy vừa đẩy nhanh tiến độ gieo trồng và đưa cơ giới vào sản xuất, giúp nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp; giảm nhân công, giảm lượng giống gieo, tiết kiệm được chi phí trong sản xuất.
Để phát triển, nhân rộng mô hình này tại huyện Cam Lộ, ngoài việc xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, địa phương cần hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng, dồn điền đổi thửa. Để khuyến khích người dân trồng lúa hữu cơ, giá sản phẩm phải cao hơn so với thị trường 30 – 40%.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, đến năm 2025, địa phương này phấn đấu trồng 1.000ha lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên. Để hiện thực hóa mục tiêu này, hàng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị hỗ trợ thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ với diện tích khoảng 100ha. Riêng Công ty Thương mại Quảng Trị mỗi năm liên kết với nông dân trồng 300ha lúa hữu cơ và lúa an toàn, VietGAP