Mây Chiều - Truyện Ngắn Dự Thi Của Tô Văn Luân (Bình Dương)   - Ảnh 1.

Anh Bần không hiểu sao tía má lại đặt cho mình cái tên này. Cái tên nghe sao mà không sáng sủa gì hết. Anh cảm giác cứ nghe thấy tên mình là thấy cả một bầu trời mạt hạng.

Người ta bảo cái tên anh nghe là không khá giả nổi. Ừ thì họ nói cũng đúng, bần nghĩa là nghèo, mà nghèo thì dễ kéo theo chữ hèn, ông bà già xưa mình nói vậy. Âu đó cũng là lẽ thường giữa biển đời cảm tính này, giàu thì chưa chắc sang, nhưng đã nghèo thì chắc chắn phải hèn. Chắc vậy. Chắc tại tía má anh ám ảnh cái nghèo, cái đói, cái hèn…

Mây Chiều - Truyện Ngắn Dự Thi Của Tô Văn Luân (Bình Dương)   - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

H.M

Mà anh Bần không phải là trường hợp duy nhất. Nói đâu xa, bên kia sông, chuyện cũng gần hai chục năm rồi. Có đôi vợ chồng nhà kia, bà vợ mang bầu sinh đôi một trai một gái. Đứa con trai bà đặt tên là Thù, còn đứa con gái bà đặt tên là Hận. Ngày lên ủy ban xã làm giấy khai sinh cho con, vì không biết chữ nên bà đọc cho cô cán bộ xã điền giúp giùm vào tờ khai. Khi mà nghe bà đọc tên đặt cho con mình, cô cán bộ ngớ người ra. Nghĩ bụng bà này đặt tên cho con sao mà ngộ đời hết sức? Nên cô có khuyên bà nên sửa lại, kiếm cái tên nào nghe hay ho, sáng sủa một tí. Trần đời có biết bao nhiêu cái tên đẹp đẽ, tội tình chi mà chọn cái tên nghe đầy bất mãn như vậy. Nhưng người đàn bà nhất quyết không chịu. Một thời gian sau đó hỏi ra mới biết, chồng bà có vợ bé bên ngoài, bỏ bê gia đình lúc bà đang bụng mang dạ chửa. Bà hận ông chồng phụ bạc, thề sẽ không bao giờ cho ổng bén mảng về cái nhà này nữa. Có lần ông chồng về thăm mấy đứa con, bà cầm dao rượt chém, khiến cho hàng xóm hết hồn phải chạy ra can ngăn. Bà vừa chửi, vừa la, vừa khóc. Biết bao nỗi uất ức chất chứa trong dạ người đàn bà bao lâu nay trào ngược tuôn ra hết như giọt nước tràn ly. Từ một người hiền lành và chịu đựng, giờ bà trở nên cộc cằn, hung dữ, sẵn sàng ăn thua đủ với những ai dám nhắc về chuyện bội bạc của chồng mình. Còn hai đứa con lại mang hai cái tên sao mà tréo ngoe, không có ăn nhập với nhau gì hết. 

Con Hận lớn lên, độ chừng mười tám, xinh đẹp, dịu dàng như bông mù u trắng trước ngõ. Nhưng má nó cấm tuyệt đối không cho yêu đương. Bà dạy nó rằng cái lũ đàn ông con trai toàn bọn giả dối và khốn nạn, kêu Hận liệu hồn đừng có mà dính vào, không thì chết với bả. Nên nhiều khi xách giỏ đi chợ sớm, ánh mắt của Hận cũng không dám liếc nhìn một chàng trai quê nào. Ai buông lời ngọt ngào trêu chọc, Hận cũng không dám để trong đầu quá lâu, tai này có nghe rồi cũng lọt qua tai bên kia, theo gió bay đi đâu mất. Phần vì sợ bị đánh đòn, phần vì nó ám ảnh câu chuyện của tía má ngày xưa. Nhiều đêm, Hận thấy lòng mình trống huơ như cái chòi lá ngoài ruộng. Nó thương má. Rồi nhớ tía. Nó thương má nó vì những điều mà bà đã phải chịu đựng, dù cho bà có cộc cằn, khó ở đến đâu. Và nó cũng thương tía nó lắm. Phải rồi, một nửa dòng máu đang chảy trong người nó là của tía chứ còn ai nữa. Nên nó nghĩ tía nó có sai mấy thì chỉ sai với má nó thôi, còn dù gì tía cũng là tía của mình. Có đêm Hận nằm mơ thấy tía nó về thăm, áo quần ông tả tơi rách rưới, người ngợm ốm yếu làm gan ruột nó xót xa. Rồi nó thấy má nó đuổi tía đi, lúc đó anh hai Thù đi mần rẫy chưa về, nên một mình nó đứng đó khóc xin má cho tía ở lại. Nhưng má nó kiên quyết đuổi ông đi… Nó giật mình tỉnh giấc. Nước mắt nó chảy dài làm ướt đẫm chiếc gối trắng thêu hình đôi chim uyên ương. Má nó nằm cạnh cũng thức dậy gặng hỏi, nhưng Hận không dám kể. Hận cảm giác cuộc đời tía má nó giờ đây như một con sông nhưng đã trót chia hai dòng nước ngược, mà anh em thì nó như cái xuồng đứng giữa dòng, dù cho có trôi về hướng nào thì cũng day dứt. Sáng hừng đông, con Hận thấy tía của mấy thằng cu Tí, cu Tèo chở tụi nó đi học trên chiếc xe đạp con mà dạ buồn rười rượi.

Phải công nhận nhỏ Hận giỏi mần ăn. Thân con gái nhưng vẫn xắn tay áo lội xuống con mương nước ngoài ruộng, thò tay vào mấy cái hang bằng từng con cá, con cua. Nhiều khi bị cua kẹp đến xước cả da, nhưng con nhỏ không hề biết sợ. Vậy mà có đợt, nhỏ Hận bắt được ở một cái hang lớn, hai con cá lóc bự chảng, với năm bảy con cá lóc nhỏ cỡ hơn ngón tay cái. Dân quê nên nhỏ Hận biết đây là một gia đình nhà cá lóc, định bụng chiều hôm đó cả nhà sẽ có một bữa ngon lành. Nhưng mà không hiểu sao sau đó Hận lại thả cho đàn cá lội đi mà không chút gì tiếc nuối. Rồi con nhỏ ngồi thẫn thờ trên bờ ruộng, đưa tay ngắt đám cỏ mần trầu mà khóc hu hu. Nước mắt nó chảy xuống mấy vệt đất lem luốc vừa bắn lên hai gò má do lội bì bõm nãy giờ dưới sình non, tạo thành những mảng xám ngắt. Khoảnh khắc đó xấu hổ vô cùng, Hận thấy vậy. Thiệt là không hiểu nổi. Ai đời nào đã bắt được cá rồi lại thả đi khơi khơi vậy chớ? Thường ngày nếu lúc đi mò cá mà lỡ để sẩy mất một con nào, chắc Hận sẽ tức tối lắm, vì nó rất sát cá, bắt cá rất giỏi. Nhưng với đàn cá kia thì lại là một câu chuyện khác. Đó là một gia đình cá, Hận ăn không nỡ. Đến mấy con cá lóc con kia còn có đủ đầy cá tía, cá má (Hận tự gọi cho hai con cá lóc bự), huống hồ chi Hận là thân con người. Vậy mà… Càng nghĩ, Hận càng khóc lớn hơn, hôm đó là lần đầu tiên Hận đi mò cá mà về tay không. Ai đó có hỏi, Hận tặc lưỡi: Xui!

Có khi đang những lức rửa chén, chà nồi dưới mé sông, hay đi hái đám rau dền, rau má, Hận cũng tìm thử coi xung quanh có ai tên giống mình hay không. Hận nghĩ về những người hàng xóm láng giềng trong kinh Xẻo Cau này, về những đứa con gái đang độ tuổi như Hận. Sao mà nhìn chung toàn những Hồng, Đào, Lan, Mai, Cúc… còn chỉ mình Hận là có cái tên quá khác biệt với tụi nó. Còn gì buồn hơn khi cái tên là cái gắn bó bên mình đến suốt đời mà sao mình không cách nào thương nó được. Đã biết bao lần Hận cố gắng tập thương cái tên của mình, nhưng vẫn không được. Cái tên vẫn làm lòng Hận nhức nhối. Hận nhớ khi ra đồng mò cua, lỡ như mà có bị cua kẹp đứt tay, thì vết thương cũng chảy nước vàng rồi kéo da non, rồi lại lành như cũ. Còn trót mang một cái tên xấu xí, nghiệt ngã, thì như thể một nhát chém vào tim mình, chỉ cần ai đó vô tình buột miệng kêu lên, thì vết thương lại không ngừng gỉ máu. Hận chua chát. Hận nhận ra là cái mà nó sợ nhất không phải những tiếng la, tiếng chửi, hay những lời nói xấu người ta đơm đặt sau lưng mình, mà là những tiếng kêu tên. Tiếng má hay ai đó kêu “Hận ơi!” làm nó đau đớn nhiều hơn so với những câu nói bất kỳ nào khác. Nhưng nói thì nói vậy, chứ Hận cũng không dám trách má mình.

Tía của anh em Hận giờ ở đâu, nó cũng không biết. Người lạ mà có hỏi, má nó nói ngọt xớt “Chết lâu rồi!”, rồi cười gượng gạo, nhợt nhạt như trái xoài chín héo, hồi sau nhanh miệng lảng qua chuyện khác. Nhưng người chết kiểu gì mà không có mồ mả, không lập bàn thờ, không ngày cúng giỗ? Phải chăng người đó không còn một chút gì để mà luyến nhớ? Nhưng dù nhớ hay không nhớ, thì người cũng đã tìm về.

Đó là vào một buổi chiều, con Hận đang ngồi chặt củi phía sau hè, tay nó đang bẻ mấy nhánh tràm khô queo rồi dùng dây chuối khô tước nhỏ buộc lại, đặng để dành nhóm lửa. Đột nhiên nó nghe thấy trước cửa nhà tiếng má nó quát ai đó như tạt nước sôi:

– Ông cút đi! Đi cho khuất mắt giùm tui cái! Đi! 

– Tui xin bà. Bà làm ơn cho tui thăm hai đứa con. Tui năn nỉ bà mà… – Tiếng tía nó liên tục nài nỉ. 

– Đi! Đi nhanh lên. Tui hông muốn thấy cái bản mặt của ông nữa!

Con Hận quăng mớ nhánh tràm khô còn chưa kịp bó xong, rồi chạy vọt ra trước nhà coi coi có chuyện gì. Trước mặt nó là một người đàn ông ốm yếu, áo quần rách rưới, mái tóc muối tiêu luộm thuộm như tổ chim cúm núm ngoài đồng. Sao mà giống cái bộ dạng của tía trong giấc mơ của nó hôm nào. Ai đây? Ai mà đòi nhận con, nhận cái? Không lẽ? Nó nhớ cái hôm nó mơ thấy tía nó về thăm nó cũng không nhìn rõ mặt, vì trước giờ nó có biết mặt mũi tía nó tròn méo ra sao đâu? Người ta mà có hỏi nó giống má nó ở chỗ nào thì nó còn tả được, chứ hỏi giống tía nhiều hay ít thì nó đành chịu thua. Hận bắt đầu khóc, gặng hỏi má có phải tía đây không? Có phải tía đã về thăm anh em nó, có phải tía về đây coi coi thằng Thù, con Hận đã lớn bộn chưa, đặng mà dựng vợ gả chồng cho tụi nó? Có phải tía về đây không?

Nhưng rồi má nó đuổi tía nó đi, dù cho nó khóc lóc năn nỉ quá chừng. Nước mắt nó chảy xuống làm mặn chát bờ môi khô khốc, nhưng cũng không đủ sức làm má nó lung tay thay đổi ý định. Nó bất lực. Lúc trước những buổi tối rảnh tay rảnh chân nó thường xin phép má cho nó sang nhà hàng xóm coi ké tivi. Nó thấy trên cái màn hình nhỏ ấy cũng biết bao cảnh đời, cũng lắm cảnh trái ngang, phụ bạc, và đầy dối trá, nhưng rồi cuối phim thường là những cái kết có hậu, viên mãn. Nhưng rồi hôm nay cái kết dành cho Hận chẳng có nét gì giống trong phim cả. Nó nhớ đàn cá lóc trong hang hôm bữa mà lòng càng thêm hờn tủi. Tía nó bước đi. Má nó ngồi như tượng. Chỉ còn nó là khóc. Trời chiều đổ mưa làm ướt đám quần áo đang phơi không kịp lấy trước sân.

Hôm sau, Hận cũng đi chợ sớm như mọi khi, nhưng mà lòng con nhỏ ảo não lắm. Nó không biết tía nó chiều hôm qua đã đi đâu, có bị ướt mưa không, nó sợ tía nó bị cảm lạnh bởi cơn mưa đầu mùa. Đi qua chợ Gò Nổi, ngang bãi đất trống gần mé kinh Xáng, sao mà con Hận thấy người ta bu đông quá, nên con nhỏ cũng lại coi thử. Hình như có người chết. Chen chúc vào cái đám đông tò mò phía trước, Hận nhận ra người nằm chèo queo tội nghiệp dưới nền đất lạnh lẽo kia không ai khác chính là tía của mình. Mọi người xung quanh người thì đi mua chiếu để đắp cho người đàn ông xấu số, như giữ lại chút tôn nghiêm cuối cùng cho ông, người thì cắm mấy cây nhang tạm bợ dưới nền đất lạnh, hương khói ngoi lên lẻ loi, quạnh quẽ. Vài người đi đường dừng lại xót thương thả xuống những đồng bạc lẻ trên chiếc chiếu chưa kịp ấm hơi người. Hừng đông vừa lên, ánh mặt trời sắp ló dạng mở ra một ngày mới. Nhưng có một cuộc đời vừa tắt ngúm như tro. Tía Hận mất rồi. Nó không còn khóc được nữa.

Tin về người chồng phụ bạc năm xưa chết ngoài chợ Gò Nổi đến tai má Hận. Người đàn bà tưởng chừng có tâm tánh sắt đá kia đã chẳng kịp xỏ vô đôi dép mà chạy ùa ra chợ. Xuống mé kinh Xáng, bà run run giở chiếc chiếu ra để nhìn mặt người đàn ông cũng là chồng mình lần cuối. Ở đời hết tình thì còn nghĩa, dù cho cái nghĩa ấy đôi lúc cũng phôi phai đi ít nhiều bởi những tội lỗi mà con người ta đã gây ra cho nhau, nhưng đến khi thấy người mình đã từng một thời yêu thương gặp điều bất trắc, thì có mấy ai mà cầm lòng cho đặng? Người ta chở xác tía Hận về bằng chiếc xe ba gác cà tàng, bên hội từ thiện thấy hoàn cảnh đáng thương nên đã hỗ trợ hòm các thứ để nhà anh em Thù, Hận lo đám ma cho tía mình. Khi đầu quấn khăn tang, Hận nghĩ xem đây có phải là ngày sum họp của gia đình mình hay không, khi mà tía đã trở về, mãi mãi nằm xuống ở miếng đất phía sau hè, bên gốc xoài, gốc mận?

Tía mất, má Hận cũng không còn cộc tính như xưa. Hai anh em Hận xin phép má được lên chính quyền xin đổi tên. Bây giờ Hận không còn tìm cách để thương cái tên này của mình làm chi nữa. Rồi đây má sẽ đặt cho Hận, cho hai anh em những cái tên mới, mang đầy yêu thương và hy vọng. Một cuộc đời mới lại bắt đầu.

Mùa này, lúa trên đồng đã chín bộn…

Mây Chiều - Truyện Ngắn Dự Thi Của Tô Văn Luân (Bình Dương)   - Ảnh 2.

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video… có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 – 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 – 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Bài Viết Liên Quan