Chiều 25/1, tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Lai Vung, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ VH-TT&DL về việc công nhận nghề thủ công truyền thống “nghề làm Nem Lai Vung” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, nghề làm Nem ở huyện Lai Vung ra đời vào khoảng năm 1960 và là một trong những nghề truyền thống lâu năm nhất ở địa phương, từ món ăn chơi đến đặc sản nức tiếng một vùng. Người đầu tiên nghĩ và làm ra món nem Lai Vung là bà Nguyễn Thị Mặn (Tư Mặn) ở ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp).
Nem chủ yếu được bà Tư làm để cúng trong các dịp lễ giỗ, Tết. Bà con trong vùng ăn thử thấy ngon, lạ miệng lại có thể bảo quản dùng dần được cả tuần nên nhiều người lấy làm thích thú tìm đến bà Tư học nghề làm Nem mang ra chợ Lai Vung để bán. Ban đầu nem Lai Vung chỉ bán nhỏ lẻ ở các chợ, được nhiều người ưa chuộng nên Nem bán rất chạy. Dần dần theo chân những người bán vào các bến xe, bến phà và ra khắp các tỉnh miền Tây.
Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, những người làm nem Lai Vung vừa lưu giữ nét truyền thồng vừa không ngừng cải tiến phát triển thích nghi với nhu cầu của khách hàng ở khắp mọi vùng miền trong cả nước…
Nem Lai Vung chín tới sẽ thỏa mãn thực khách ở cả thị giác, khứu giác và vị giác. Nem Lai Vung gây “thương nhớ” với thực khách gần xa không chỉ bởi hương vị chua, cay, giòn, ngọt hài hòa đặc trưng, vị Nem chua thanh mà ngọt, mặn nồng mà cay… tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một món ngon hấp dẫn. Năm 2013, Nem Lai Vung được lọt vào top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam công bố.
Trước đó, nghề làm Nem Lai Vung đã được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là nghề truyền thống đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định, Đồng Tháp là nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa phong phú và đa dạng. Các di sản văn hóa này luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh nhà. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có hơn 100 di sản tập trung ở các loại hình như: Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tập quán xã hội, Tri thức dân gian, Lễ hội truyền thống và Nghề thủ công truyền thống. Cùng với đó là 46 làng nghề được công nhận trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn, nghề thủ công truyền thống “Nghề làm Nem Lai Vung” được Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là dịp để chúng ta tôn vinh Di sản với giá trị vững bền và sức sống mãnh liệt.
Qua đó, ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện Lai Vung, xã Tân Thành, xã Long Hậu, thị trấn Lai Vung và các hộ dân làm nghề trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống làng nghề Nem.
Đồng thời, thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong những năm tiếp theo.
Nhân dịp này, UBND huyện Lai Vung đã tổ chức Ngày hội Nông sản huyện Lai Vung với chủ đề “Nông nghiệp và Niềm tin”. Đây là chuỗi hoạt động chào mừng hết sức ý nghĩa, một trong những sự kiện mang dấu ấn rất quan trọng của Huyện, là động lực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện Lai Vung năm 2024 nói riêng và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Tháp nói chung.