Ngọt Ngào Lẩu Mắm Cá Linh Miền Tây

Mùa mưa ở miền Tây đang về. Cứ vào đầu tháng 6 âm lịch mưa đã bắt đầu rải đều ra 13 tỉnh miền Tây Nam bộ.

Năm ngoái, cuối tháng 7 âm lịch, chúng tôi về huyện Chợ Mới (An Giang) nơi đầu nguồn cả sông Tiền và sông Hậu, vì huyện nằm trên Cù Lao Ông Chưởng, nên cá linh đầu mùa là ngon nhất bởi khi đó cá nhỏ, xương cá mềm, thịt béo ngậy, ăn rất ngon ngọt như nước mía lùi, ai được ăn cá linh đầu mùa thì khỏi phải chê.

Anh bạn tôi làm nghề chài cá linh đầu mùa trên dòng sông Tiền, Cù Lao Ông Chưởng để bán cho các chợ cá ở Long Xuyên và cả Châu Đốc, rôm rả nói – Mùa này nước kém, cá thua hơn vài năm trước, và cá ngon về ít hơn trước nhiều, nhưng bè cá tui cũng chài thu được tới 9-10 kg cá linh mỗi ngày/đêm. Chà, với món cá linh đầu mùa như ri mà ông chài cỡ đó, thì tội mấy cha nấu lẩu mắm, thiếu cọng bông súng, bông điên điển cho bà con nghen – tôi đùa ông bạn chí thiết, mỗi khi về lại Chợ Mới.

Hinh3Calinh Gtju 5930
Một mẻ cá linh non đầu mùa lũ

công hân

Rồi anh bạn không nói gì, cứ xúc ra mớ cá linh cỡ hơn 2 kg, mỗi con to hơn ngón tay trỏ nói gọn lỏn: “Mời mấy anh em, làm cái lẩu ni, với kèo nèo, cọng bông súng, bông điên điển của nhà”. Nói rồi anh cho cá linh vào lẩu mắm đang sôi, cá linh tươi kèm với kèo nèo, cọng bông súng, bông điên điển, để đãi khách xa đến. Thú thật, là tôi đã đi nhiều vùng sông nước miền Tây Nam bộ, song chưa có món thú vị nào hơn khi về trên sông Tiền – Cù Lao Ông Chưởng tại Chợ Mới – An Giang, xem bà con vùng sông nước này bỏ lưới bắt cá linh. Ở đây, mùa mưa gió lồng lộng thổi, cây trái xanh ngút của nhiều nhà dành hẳn cả vườn hàng nghìn mét vuông trồng cây ăn trái. Xen với các thuở vườn nhà là từng dãy cây bông điên điển dưới các con rạch, hay trồng bông súng vào mùa mưa. Thường là cuối tháng 6 âm lịch, những dãy bông điên điển mùa mưa đã bắt đầu trổ vàng, tuy không khoe sắc như loài hoa khác, song bông điên điển có một sức hút kỳ lạ là vị ngòn ngọt khó tả với mùi thơm, khi ta trộn lẫn vào nồi lẩu mắm đang sôi.

Một lần, về ăn cá linh đầu mùa, tôi đem chuyện hỏi anh bạn tại sao và khi nào có tên cá linh? Thực ra cá linh có nhiều giai thoại, kể cả cư dân dần dần có thêu dệt thêm. Theo những người dân tại vùng sông nước huyện Tân Phú, huyện Chợ Mới kể lại, có những giai thoại sau: Giai thoại đầu tiên là ban đầu loài cá này từ Biển Hồ (Campuchia), đi theo con nước trôi xuống dòng sông Tiền, sông Hậu; sau đó cá lại quay ngược trở lên Biển Hồ, người dân gọi đó là hiện tượng “cá lên”, lâu ngày truyền miệng nhau cái tên này bị cư dân đọc trại ra là cá linh.

Giai thoại kế tiếp, kể rằng đất miền Tây Nam bộ là nơi sinh sản loài cá này, không biết chúng sinh ra vùng sông nước nào, tuy cứ đến mùng 10 tháng 10 âm lịch hàng năm, loài cá này lại xuất hiện rất nhiều, mà người dân nói giống như cá đang quay về cội nguồn. Vì thế người dân tin rằng loài cá này có “tánh linh” nên đặt cho tên cho cá linh.

Giai thoại thứ ba gắn liền với chuyện từ thuở Nguyễn Ánh (vua Gia Long từ 1802) đang trên thuyền định đi từ Vàm Nam nhằm ra hướng biển, tự nhiên gặp loài cá lạ nhảy lên thuyền của ông. Thấy điềm lạ nên Nguyễn Ánh lệnh dừng thuyền và không đi nữa. Sau đó, Nguyễn Ánh mới biết nếu đi nữa sẽ lọt vào ổ phục kích do quân Tây Sơn mai phục. Thế nên, để tri ân loài cá này, Nguyễn Ánh đã đặt cho loài cá có cái tên cá linh, rồi hơn 200 năm nay cái tên đó đã gắn với bà con sông nước nơi đây.

Thực ra, nếu không có kèo nèo, cọng bông súng, bông điên điển, thì nấu cá linh đầu mùa, bỏ thêm món gì cũng thấy ngon và mùi thơm lựng, khi nồi lẩu đang sôi. Song, như dân ở Cù Lao Ông Chưởng nói, là chỉ có nấu lẩu với trái kèo nèo, cọng cây súng, bông điên điển kèm theo là không có nơi nào đậm chất vườn, chứa đựng bao lam lũ mùa sông nước như ở miền Tây, khi mùa nước nổi đang tràn về.

Một điều không thể thiếu khi ăn lẩu mắm cá linh, là ngoài kèo nèo, bông súng, bông điên điển, thì món để lại mùi vị khó quên là mắm. Mắm nấu lẩu ở Nam bộ, là loại mắm được người dân tự làm, cũng từ chất liệu các loại cá tươi mà ra, song mùi mắm ở đây đặc trưng ở chỗ, là vị ngòn ngọt, có vị chát, vị mặn thật khó quên.

Có lần, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong, một nhà âm nhạc Việt tại Washington, Mỹ, khi lần anh trở về quê Trà Ôn – Vĩnh Long năm rồi, có mời chúng tôi xuôi ra dòng sông Hậu, đi tìm cá linh đầu mùa, mà bà con quê anh có ý mời thăm, để mà ngửi mùi mắm. Vậy mà hơn 50 năm xa quê hương Vĩnh Long, anh khó quên đi được mùi vị này, khi nhớ những mùa nước nổi đang về, có món lẩu mắm cá linh ở quê hương.

Cho đến nay, đáng buồn là sau khi có nhiều đập tràn từ các nước thượng nguồn được xây dựng, trữ nước quá lớn thượng nguồn (tại Trung Quốc 7 đập lớn ở thượng nguồn Mê Kông), nên lượng nước vào mùa nước nổi vài năm nay, đổ về hạ nguồn đã giảm đáng kể, kèm theo lượng cá linh theo về cũng muộn và ít hơn rất nhiều. Tại miền Tây Nam bộ nơi cá xuất hiện nhiều là ở vùng sông đầu nguồn các huyện An Phú, Tân Châu, Chợ Mới (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp), Thốt Nốt (Cần Thơ), các huyện xa hơn trên tuyến sông Hậu, như ngoại ô TP Cần Thơ, huyện Bình Minh, Trà Ôn (Vĩnh Long)… cũng có, nhưng ít hẳn từ 3 năm nay. Thường vào đầu mùa nước nổi, thì cá về còn ít, nên lúc đó giá mua cá ở mức cao và giảm dần cho đến cuối mùa nước nổi, cá về đã khá nhiều. Điều mà ai cũng nhớ, khó có thể quên dẫu đi khắp chân trời, góc biển, là mùi vị cá linh lẩu mắm không nước nào tại châu Á có hương vị đồng quê thế này, như vị ngòn ngọt của lẩu mắm cá linh miền Tây.

Bài Viết Liên Quan