Chị Linh Nga Niê Kdăm Ngồi Giữa Trong Buổi Nói Chuyện Với Bà Con Buôn Tơng Jú

Những ngày cuối thu, khí hậu Tây nguyên mát mẻ. Sau lớp dạy nhạc hè cho thiếu nhi, tôi lại thấy chị mở lớp dạy thanh nhạc miễn phí cho hơn chục người cao tuổi yêu ca nhạc ở TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Lớp học được tổ chức tại nhà chị. Vài ba lần khác tôi gặp chị ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao. Chị đến để tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong buôn phát triển du lịch cộng đồng, làm giàu từ những sản phẩm trên quê hương mình.

Chị Linh Nga Niê Kdăm Ngồi Giữa Trong Buổi Nói Chuyện Với Bà Con Buôn Tơng Jú

Chị Linh Nga (đeo kính) trong buổi nói chuyện với bà con buôn Tơng Jú

T.N.V

Mình là người Ê Đê

Chị là Tuyết Nga Niê Kdăm, tên thường gọi là Linh Nga. Khi học cấp 2, cha chị thường dặn dò: “Con phải nhớ mình là người Ê Đê, quê hương của con có thác Dray H’ Linh hùng vĩ, có đỉnh núi Chư Yang Sin cao chạm mây trời. Bộ váy áo Ê Đê đẹp đẽ con mặc trên người từ thuở bé là do bà con ở Đắk Lắk gửi ra như nhắn nhủ: Hãy luôn học tập, phấn đấu vì quê hương mình… Luôn ghi nhớ lời cha, nên từ thuở ấu thơ trong chị đã hình thành dòng chảy và tình yêu dân tộc, đặc biệt là văn hóa Tây nguyên.

Năm 1966, Linh Nga, với vai trò ca sĩ, như con chim sơn ca của núi rừng đem tiếng hát đến khắp mọi miền Tổ quốc. Từ năm 1979, là giáo viên thanh nhạc, chị đào tạo, bồi dưỡng được nhiều học trò ưu tú như: NSND Y Moan Enuol, Y Garia Enuôl, Siu Black, NSƯT Y Phôn Ksor, H’Zina Bya… Ở vai trò nhạc sĩ, nhiều ca khúc của chị như: Mưa cao nguyên, Tình ca cao nguyên sáng tác từ năm 1982 đến nay vẫn được các bạn trẻ hát vì yêu thích. Bài hát Đêm Pơ thi, Niềm tin trong tôi được giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải của Hội Dân tộc, song chị vẫn khiêm tốn: “Tôi sáng tác không nhiều…, đắm đuối với văn nghệ dân gian hơn”.

Chị Linh Nga Niê Kdăm Trong Một Buoir Dạy Hát Cho Thiếu Nhi

Chị Linh Nga trong một buổi dạy hát cho thiếu nhi

T.N.V

Chị trải lòng: “Tuổi thơ tôi theo cha mẹ sống ở An toàn khu Việt Bắc nên cũng biết kha khá về văn hóa các dân tộc phía Bắc. Một phần đời ở Hà Nội nên đã thấm nền văn minh sông Hồng. Lấy chồng là người Khmer Nam bộ, nên được hiểu biết về văn hóa Khmer. Gần hết cuộc đời sống ở Tây nguyên, được đi khắp nơi sưu tầm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa các tộc người Tây nguyên”. Đến nay, chị đã xuất bản được 33 đầu sách, trong đó có 13 sách về văn hóa dân gian Tây nguyên. Ngoài sách riêng, chị còn viết chung với chồng, con gái, với các trí thức người dân tộc về văn hóa Ba Na, Ê Đê, K’Ho như: Nghệ thuật múa các dân tộc Trường Sơn – Tây nguyên, Văn hóa K’Ho, Văn hóa Ba Na

Năm tháng sôi động như nước từ những con thác hùng vĩ của đại ngàn tuôn chảy. Từ ca sĩ, nhạc sĩ, chị chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, làm Phó phòng Phát thanh của Đài PTTH Đắk Lắk, Phó giám đốc Cơ quan thường trú Tây nguyên của Đài TNVN, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk cho đến năm 2007. Sau khi nghỉ hưu, chị mở Trường trung cấp Đam San, chuyên đào tạo văn hóa quần chúng, sư phạm âm nhạc và vẫn dạy hát cho đến hôm nay.

Chị còn thành lập Trung tâm Phát triển nông thôn Tây nguyên với vai trò là giám đốc, chuyên tư vấn về văn hóa, du lịch, nông – lâm nghiệp, như giúp bà con người Ê Đê ở M’Drắk, thành lập hợp tác xã, hướng dẫn ươm cây giống, trồng rừng; hỗ trợ kỹ thuật chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Nông; quy hoạch làng nghề cho tỉnh Đắk Lắk. Năm 2021, trung tâm thực hiện 2 đề tài khoa học: Nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng dân cư vào du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo tỉnh Đắk Lắk, Nghiên cứu chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch cộng đồng ở tỉnh Đắk Nông. Để thực hiện, chị và các cộng sự phải lặn lội đi khắp 5 huyện, 23 xã của Đắk Nông, 15 huyện, thị, thành phố của Đắk Lắk tham khảo tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch, văn hóa… rồi cầm tay chỉ việc cho bà con.

Giúp buôn làng đổi mới

Để đưa du lịch cộng đồng về với buôn làng, chị tự bỏ tiền đi các tỉnh miền núi phía Bắc hay Kon Tum, Lâm Đồng… học tập kinh nghiệm.

Người Phụ Nữ 'Không Tuổi' Của Buôn Làng - Ảnh 3.

Chị Linh Nga (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) với bà con Ê Đê làm du lịch cộng đồng

T.N.V

Chị chọn buôn Tơng Jú vì có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, có hợp tác xã thổ cẩm, đội múa… và đội chiêng nữ của buôn Kbu cận kề. Chị và các cộng sự liên tục về buôn hướng dẫn cho bà con. Ban đầu chỉ có vài người, sau đó phát triển lên 12, 13 hộ tham gia. Cách làm là hướng bà con thành lập tổ, khuyến khích họ tự chọn các sản phẩm du lịch nông nghiệp có sẵn, như dùng xe cày đưa khách thăm hoa cà phê, tưới nước, làm cỏ lúa, hái ca cao. Về văn hóa thì hướng dẫn khách xem và trải nghiệm quy trình dệt thổ cẩm, làm rượu cần, tạc tượng, tham gia chế biến, thưởng thức ẩm thực Ê Đê; phục dựng các lễ chúc sức khỏe, lễ kết nghĩa… Đến nay, buôn Tơng Jú đã nhiều lần đón tiếp, phục vụ các đoàn lớn, nhỏ từ 5 đến hơn 50 người về trải nghiệm, lưu trú và họ rất hài lòng. Từ đó, thu nhập của bà con trong buôn đã cải thiện và ngày càng có nhiều người đăng ký tham gia làm du lịch cộng đồng.

Chị Linh Nga chia sẻ: “Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm là chuyện cực khó”. Ban đầu phải hướng dẫn bà con dọn dẹp nhà cửa, buôn làng xanh, sạch, đẹp. Trồng cây gì? Nuôi con gì? Sắp xếp lại chuồng trại, sản xuất thực phẩm sạch. Tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch, cách đón khách, cách tính toán kinh phí thu chi. Mời cả Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm xuống buôn dạy và hướng dẫn đăng ký an toàn thực phẩm, mở lớp tiếng Anh giao tiếp. Trung tâm còn hỗ trợ bà con làm biển chỉ đường, tờ rơi quảng cáo, lập trang web, Facebok…

Vòng quanh các con đường chính buôn Tơng Jú có gần 800m2 tường xi măng xám xịt. Chị Linh Nga nghĩ cách thực hiện bích họa, thêm những hình ảnh làm đẹp cho buôn làng. Được sự đồng ý của chính quyền, chị đăng Facebook kêu gọi xã hội hóa, mời các họa sĩ người dân tộc đến vẽ. Việc làm mang ý nghĩa tốt đẹp cho cộng đồng, cho buôn làng, được nhiều bạn yêu Tây nguyên khắp nơi gửi tiền ủng hộ. Kết quả, chỉ với hơn 160 triệu đồng, đã vẽ được hơn 500/800m2 tường rào với phong cảnh Tây nguyên, hình ảnh sinh hoạt của người Ê Đê, M’nông. Buôn Tơng Jú trở thành điểm bích họa buôn làng đầu tiên ở cả Tây nguyên, thu hút du khách khắp nơi.

Chị Linh Nga Người Đứng Giữa Với Sinh Viên Cđsp Ngày Ra Trường

Chị Linh Nga với sinh viên cao đẳng sư phạm ngày ra trường

T.N.V

Chị H’ Yam Bkrông, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm, Trưởng nhóm Du lịch cộng đồng buôn Tơng Jú rất cảm động khi nói về chị Linh Nga: “Chị là ân nhân của gia đình mình, của buôn làng. Nhiều năm trước chị về buôn phát hiện con đầu mình là Y Ser có năng khiếu chạm khắc. Y Zen con thứ hai có năng khiếu múa. Chị đã giới thiệu cả hai đứa được đi học để giờ Y Ser đã thành nghệ nhân tạc tượng, Y Zen trở thành biên đạo múa. Chị Nga về với buôn làng là bà con xem như người trong gia đình…”.

Con đường hướng bà con các buôn làng Tây nguyên làm du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế có lẽ vẫn còn rất dài. Linh Nga Niê Kdăm – người phụ nữ Ê Đê dường như “không tuổi” vẫn miệt mài góp sức mình vào công cuộc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống và giúp buôn làng đổi mới.

Tên tuổi chị Linh Nga Niê Kdam có lẽ không xa lạ gì với những người làm nghệ thuật ở Việt Nam, đặc biệt với đồng bào các dân tộc ở Tây nguyên. Chị là hội viên Hội Nhà báo, Hội Nhà văn, Hội nhạc sĩ Việt Nam…; Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ, Hội Văn nghệ dân gian… Năm 1994, chị được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba; năm 2015 được UBND tỉnh Đắk Lắk trao giải “Cống hiến suốt đời vì sự nghiệp VHNT”…

Người Phụ Nữ 'Không Tuổi' Của Buôn Làng - Ảnh 6.

 

Bài Viết Liên Quan