“Hai lúa” Vĩnh Lâm và chuyện xin được trồng lúa hữu cơ
Vào miền Nam để thoát cảnh làm nông chân lấm tay bùn, làm đủ thứ nghề để kiếm sống nhưng cuối cùng, anh Nguyễn Văn Tuần ở thôn Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) lại trở về với ruộng đồng để khởi nghiệp. Nhiều người nghĩ anh sẽ “ly nông”. Nhưng không, với 8ha đất trồng lúa, sau 5 năm khởi nghiệp, anh đã có trong tay cơ ngơi nhiều người mơ ước.
Năm 2018, khi phong trào trồng lúa hữu cơ tại Quảng Trị bắt đầu nổi lên, vợ chồng anh Tuần chạy xe vào TP Đông Hà gặp ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) xin được liên kết sản xuất lúa hữu cơ, giống lúa ST25. Sau khi khảo sát chất lượng vùng trồng, Sepon Group quyết định liên kết với anh Tuần trồng thử nghiệm 0,5ha lúa an toàn trong thời gian 2 vụ mùa. Đây cũng là quá trình cải tạo, giải độc, bổ sung chất dinh dưỡng cho đất trước khi bước vào quy trình sản xuất lúa hữu cơ. Đến năm 2019, vợ chồng anh Tuần chính thức đủ điều kiện sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 0,5ha.
Sản xuất lúa an toàn đã khỏe nhưng khi chính thức được sản xuất lúa hữu cơ, anh Tuần cảm thấy làm nông chưa bao giờ nhàn đến thế. Chủ ruộng chỉ việc cày đất, hoàn thiện mặt bằng. Các công đoạn như cấy, bón phân, phun chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch… đều được thực hiện bằng máy. Nhân viên của Sepon Group đảm nhận hầu hết những công đoạn này, kể cả dặm lúa. Rơm hữu cơ cũng được doanh nghiệp dùng máy cuộn, thu mua ngay tại ruộng.
“Trồng lúa hữu cơ ST25 phải cấy thưa nên giảm được sâu bệnh. Các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đều cơ giới hóa nên nhà nông rất thảnh thơi. Thay vì phải mang lúa về phơi, nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng cho Sepon Group với giá hợp đồng là 12 nghìn đồng/kg” – anh Tuần chia sẻ.
Năng suất lúa ST25 trên đồng ruộng Quảng Trị chỉ dao động 6 – 6,4 tấn/ha (lúa tươi), thời gian sinh trưởng kéo dài. Nhưng đổi lại, với giá bán tại ruộng 12 triệu đồng/tấn lúa tươi, tính ra, nông dân lãi ròng đều đặn 30 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi đó, tất cả các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đều được cơ giới hóa, nông dân gần như không còn cảnh chân lấm tay bùn như canh tác lúa theo phương thức truyền thống.
Tính ra, với diện tích 8ha trồng lúa an toàn và hữu cơ, gia đình anh Tuần lãi ròng hơn 200 triệu đồng/năm. Có thu nhập cao từ trồng lúa, anh Tuần sắm được ô tô sang, máy cày, máy gặt, máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái…
Bắt đầu từ vụ đông xuân 2023 – 2024, toàn bộ 8ha đất trồng lúa của vợ chồng anh Tuần sẽ bước vào sản xuất lúa hữu cơ. Điều khiến vợ chồng anh vui nhất không chỉ là việc đã chứng minh được nông dân hoàn toàn có thể làm giàu từ đồng ruộng. Thông qua sản xuất lúa hữu cơ, môi trường được đảm bảo, lợi nhuận song hành cùng lợi ích. Đó chính là động lực giúp “hai lúa” Vĩnh Lâm tiên phong trong việc vận động người dân cùng tham gia trồng lúa hữu cơ.
“Sản xuất lúa hữu cơ cho ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, bán được giá cao, ổn định, nông dân sẽ vươn lên làm giàu nếu tích tụ được đất đai. Người sản xuất vừa nhàn lại tránh được các nguy cơ về bệnh tật sau này. Vừa rồi, tôi đã vận động được 14 hộ liên kết với Sepon Group trồng lúa hữu cơ với tổng diện tích 9ha. Bắt đầu từ vụ mùa năm sau, riêng thôn Tiên Mỹ 2 sẽ có 17ha lúa hữu cơ ST25 liên kết với Sepon Group” – anh Tuần phấn khởi.
Bón đạm cho lúa, chủ ruộng suýt bị… lập biên bản
Sản xuất gạo hữu cơ như một cuộc cách mạng. Ở đó, người nông dân phải tạm quên đi câu chuyện năng suất để tập trung vào việc sản xuất theo một quy chuẩn hết sức khắt khe. Điều đó thực sự khó thay đổi đối với những nông dân quanh năm châm lấm, tay bùn.
“Thông thường, ở vùng đất này, năng suất lúa khô đạt 6 – 6,4 tấn/ha. Nhưng khi trồng lúa hữu cơ ST25, năng suất lúa tươi cũng chỉ đạt chừng ấy. Điều đó khiến nhiều nông dân không khỏi băn khoăn. Cùng với việc ruộng đồng manh mún, tư duy của nông dân chưa kịp bắt nhịp với nhu cầu thị trường, đó chính là hai trong số những nguyên nhân khiến việc sản xuất lúa hữu cơ gặp khó” – anh Tuần tiếp câu chuyện.
Nhưng khi đã cam kết với nhau viết nên câu chuyện lúa hữu cơ thì tính cộng đồng hết sức quan trọng. Sản xuất lúa hữu cơ không có chỗ cho sự gian dối bởi vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra được kiểm duyệt rất kỹ lưỡng trước khi đến tay người tiêu dùng.
“Một hộ dân sản xuất lúa an toàn có liên kết với Sepon Group đang trên đường đi bón phân chuồng ủ hoai cho ruộng thì bị đội giám sát bắt lại, yêu cầu trở về, nếu không sẽ lập biên bản. Với lúa an toàn còn khắt khe như thế thì ai cũng hiểu được, khi sản xuất lúa hữu cơ, việc tuân thủ quy trình canh tác quan trọng đến mức nào” – anh Tuần vừa nói vừa cười tươi.
Người nông dân ấy (xin được giấu tên) nóng ruột khi thấy một đám ruộng bị trâu bò ăn tận gốc lúa liền trộn một ít phân bón hóa học dưới phân chuồng hoai mục để bón cho lúa. Khi ra gần đến ruộng thì các nông dân khác phát hiện sự việc và báo cho đội giám sát. Kết quả, nông dân này phải mang phân và đạm trở về nhà.
“Đội giám sát được trích 100.000 đồng/tấn lúa tươi thành phẩm để tổ chức giám sát quy trình chăm sóc cây lúa. Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ nhắc nhở, nếu tái phạm sẽ lập biên bản vi phạm và đề nghị Sepon Group cắt hợp đồng. Ngoài ra, các hộ dân rất sợ chất lượng lúa ở vùng này ảnh hưởng nên tự giám sát chéo lẫn nhau. Điều đó đảm bảo cho việc trồng lúa hữu cơ đúng với quy trình của Sepon Group” – ông Nguyễn Hải Tiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tiên Mỹ (xã Vĩnh Lâm) – thành viên tổ giám sát cho hay.
Anh Tuần cho biết, sản xuất lúa hữu cơ, lúa an toàn với Sepon Group không những chặt chẽ về quy trình chăm sóc mà ngay cả việc sử dụng loại máy móc nào để chăm sóc cũng rất chặt chẽ. Khi phát hiện sâu bệnh, chủ ruộng có trách nhiệm báo để Sepon Group đưa máy bay không người lái về phun chế phẩm trừ sâu sinh học.
Anh Tuần chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân thuộc 20 HTX tại tỉnh Quảng Trị những năm qua hợp tác với Sepon Group sản xuất lúa hữu cơ. Nhưng để “giác ngộ” nông dân trồng lúa hữu cơ, ít người biết, những năm qua, Sepon Group đã tốn không ít công sức. Câu chuyện sản xuất và tạo ra thương hiệu lúa hữu cơ Quảng Trị không phải là việc có thể làm trong ngày một, ngày hai.
Sau nhiều năm hợp tác với Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam để khảo sát, Sepon Group nhận thấy, trong số trên 20 nghìn ha sản xuất lúa toàn tỉnh Quảng Trị, có 5 nghìn ha đủ điều kiện sản xuất lúa đảm bảo an toàn VietGAP. Trong đó có 3 nghìn ha đủ điều kiện sản xuất lúa hữu cơ, tập trung tại một số huyện như Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ…
Tuy nhiên, để sản xuất lúa hữu cơ, diện tích này phải trải qua 2 vụ mùa sản xuất lúa an toàn, đồng thời với quá trình cải tạo, giải độc, bổ sung chất dinh dưỡng tự nhiên cho đất. Nguồn nước trong sản xuất lúa hữu cơ phải là nước một chiều, sau khi sử dụng sẽ thải đi, không tái sử dụng.
Cũng phải mất hàng năm trời, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của Sepon Group mới bẫy và nhân giống thành công các vi sinh vật bản địa để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ cây trồng.
Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, Sepon Group đã liên kết với 700 hộ nông dân 4 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Vĩnh Linh trồng 410ha lúa an toàn, lúa hữu cơ với tổng sản lượng 24.000 tấn lúa tươi/năm. Thương hiệu gạo an toàn VietGAP, gạo hữu cơ Sepon rice đã có mặt trên nhiều hệ thống siêu thị của Sepon tại 12 tỉnh thành trên cả nước và đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu. Nhưng với ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Sepon Group, đó là câu chuyện của tương lai.
“10% lúa chúng tôi để lại cho nông dân sử dụng. Theo kế hoạch, 40% sẽ được bán ở thị trường trong nước, 50% xuất khẩu. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Gạo hữu cơ Sepon trước hết phải để cho người Việt Nam sử dụng” – ông Hiếu phấn khởi.
Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Sepon Group cho biết, đơn vị vừa mở cửa hàng cơm hữu cơ Sepon tại TP Đông Hà, sử dụng 100% gạo hữu cơ ST25 và thực phẩm đạt chuẩn VietGAP. Đến với cửa hàng cơm hữu cơ Sepon, thực khách sẽ được trải nghiệm, tư vấn, khảo sát các chỉ số sức khỏe của cơ thể như % mỡ, nước; khối lượng xương; độ tuổi sinh học hiện có… cho từng người cụ thể.