Con nước chiều, dòng quê mùa cạn chảy lềnh, giề lục bình cũng lềnh bềnh trôi. Mà mắc mớ gì hổng biết, con bói cá màu xanh liệt đậu miết ở đó, dòm ngó gì đó dưới dòng ngầu đục phù sa mà thêm con cá cũng đâu ngu, lặn biệt tâm, dòm chỉ uổng công. Hà cớ gì cứ lóng ngóng hay bay phóng về mương vườn có hơn không, biết đâu có con cá mắc cạn.
Rạch ruộng ngày đó vậy đó, con nước cứ lững thững tới lui, vậy mà được đó, nhờ nó mà mương vườn có nước để tốt cho cây, hay cái là tuốt cuối ruộng cũng có nước để tốt cho lúa. Đùng đục vậy mà mát rượi, tắm đã hết biết, nhất là sau một ngày lưng trần nắng rát. Bận áo thì đỡ rát thiệt nhưng bực bội, ngặt nỗi bận áo lắm lúc mồ hôi ướt rượt vướng víu, thêm quơ phản cũng khó thẳng tay.
Biểu người nhà quê ham việc cũng đâu trật, việc ở quê luôn tất bật suốt vậy mà lắm lúc cũng lỡ dở, dụng đêm làm thêm việc, đặng việc nào hay việc đó |
công hân |
Ruộng đồng ngày đó nào đưng, nào lát, dày ken, cao ngập đầu lận. Khỏe như trâu vậy mà có mấy bận cũng phản không xuể công tầm cắt cho một ngày. Người mần ruộng lâu năm nên phải biết tính tới tính lui để phản. Phát phải đúng lúc, sớm cũng không được mà muộn cũng không được. Phát sớm nước chưa kịp chụp cỏ khó chết, muộn quá thì cỏ không kịp thúi. Nhắc tự dưng nhớ đọc ở Sơn Nam, đọc mà xót cho tình cảnh những con người thuở mở đất. Tình cảnh thêm nao lòng với kiếp sống có phần xót xa, tạm bợ sao đâu. Gia tài chỉ vỏn vẹn, với mỗi chiếc xuồng, với cái cà ràng để vừa nấu ăn vừa un muỗi, và cái phản để khai hoang.
Tâm thức của người Việt thuở ấy không việc làm ăn gì bằng nghề nông. Ý của con người lúc đó, “Trăm nghề, không gì bằng nghề nông”. Vốn sớm về với vùng hoang địa, nên người Việt mình có rất nhiều kinh nghiệm về làm ruộng ngập nước. Cây phản ngày ấy là quan trọng nhất với con người ngày ấy vì đa số là đất hoang. Làm ruộng cực có cực thiệt, cực công nhưng cũng dễ làm ra cái ăn, chỉ cần phát cỏ và đốt cỏ rồi gieo hạt là có cái ăn. Gần như không ai có ý nghĩ làm ăn kéo dài. Chỉ có sau này, khi đất đâu yên bề đó, đã thuộc, con người mới nghĩ làm ăn thâm canh.
Giống lúa gì tên nghe lạ hoắc, ngộ hết biết, Xom Mà Ca. Giống lúa từ lúc gieo đến lúc trổ bông là bốn tháng. Đa số giống lúa miệt ấy, ngày ấy là giống cao giàn, đứng ở ruộng gié lúa cao ngang ngực người làm lúa. Nên người gặt phải gặt với “vòng gặt”. Người Việt thấy người Khmer làm thấy được nên làm theo.
Đưng, lát dày ken, như nhờ vậy mà tụi nhỏ có cớ lội ruộng, ngẫm ngợi cũng tốt, lội cho quen nước quen cái để sau này quen dần đi cái mần ruộng cực. Cái nữa là chuyện đời người lắm lúc đâu theo ý mình, vì biết đâu cả đời tụi nhỏ lại gắn bệt với chân bùn hổng chừng.
Năn thân cao biệt vậy mà củ lại nhỏ xíu, thiệt ra có ngon ngọt gì đâu vậy mà tụi nhỏ cũng lăn lội mò mẫm, mò mẫm cho bằng được, con nít tính chắc vậy. Được ở củ co, cũng đen đủi màu bùn, lớn hơn năn đôi chút, ngộ là không tròn trịa mà lún phún râu, đem luộc ăn bùi bùi chắc vậy mà tụi nhỏ thích. Miệt quê như lúc nào cũng vắng tẻ, buồn hiu, chẳng lẽ mãi ngồi tiu nghỉu, mùa năn âu cũng là lúc để tụi nhỏ thỏa cái tính nghịch.
Như cũng vì vậy mà với tui miệt quê mãi là miệt nhớ. Mà hổng nhớ cũng đâu được vì khi mình còn phải ăn hạt từ đồng, có được hạt để ăn đâu phải trơn tru mà có hạt để ăn, chỉ phần ngọn thôi cũng lắm cực công rồi. Nói về cái phần gốc càng cực hung, nào cày, nào bừa, nào trục, cực ối thôi là cực. Ngày xửa mà, lúa chắc nẹo hạt, cọng hạt cũng dài ngoằn, ngặt nỗi muốn có được hạt phải đập, ngày ấy đập lúa bằng tay, đôi lúc phải dùng tay ngoéo để ngoéo khi lỡ cắt quá dài cọng. Đập thì đập với bồ đập. Chắc cũng phải nói qua một chút về cái bồ, bồ được đan từ tre, dáng hình từa tựa cái phểu. Người nhà quê vốn quê thiệt, nhưng đừng vội nghĩ người nhà quê vụng về, hổng có đâu, tre sẵn, bằng lăng sẵn, bằng lăng lão làm đai chắc nẹo. Nói thêm một chút về bằng lăng, chắc cũng không dư, ngoài sắc tim tím mung lung trọn bến nước mùa đồng, thịt cây bằng lăng được người miệt khác ví với thao lao, nhất là khi cây đến độ già. Dụng bằng lăng già làm đai chắc nịch. Lưng bồ đan từ tre, đan mắt một khít đeo, xong đâu đó rồi phết phân trâu, vậy mà xài lâu hết biết.
Biểu hổng nhớ cũng hổng được, nhớ cả mùi cá khét ở ơ đất để ké đụn trấu un muỗi rồi quên bẵng, nhờ vậy mà miếng cơm dặm ở tối đạp trâu ngon kỳ cục. Ngu như trâu, câu mắng mỏ chắc là ở lúc giận bất tử, chứ trâu đâu ngu đâu, thả vàm trâu cũng quần lúa ngon hơ đâu cần ví thá đâu. Biểu cực như trâu chắc đúng hơn, ngoài mang ách đeo cày, còn đeo ách để cộ, thêm nữa thương trâu là ở tính hiền hậu, lỡ quên bỏ cỏ đêm cũng im re mà ngủ.
Biểu người nhà quê ham việc cũng đâu trật, việc ở quê luôn tất bật suốt vậy mà lắm lúc cũng lỡ dở, dụng đêm làm thêm việc, đặng việc nào hay việc đó. Được cái là đêm xuống mát rượi trời, ưng bụng nhất là đêm nào có trăng, trăng non cũng thích, trăng muộn cũng thích, thích nhất là trăng trải dài lên lúa đòng đòng, lòng chợt nghe thanh thản lạ. Còn nữa, còn nữa hổng biết cớ gì tự dưng bung lao xao bóng đổ nghiêng ở đứa con gái cùng nhịp chày, thành cứ nhớ. Mà hổng nhớ cũng hổng được nhất là ở tiếng cắc cum cum cắc nhip cối giã. Nhơ nhớ bận nào đó nghe rồi bỗng dưng nhớ nhịp song loan, nhớ tiếng kìm và giọng ai oán đến nghẹn ngào ở Út Bạch Lan “… thôi thôi đừng làm khổ thêm cho em của người ta”, đó là giọng nức nở ở The, người đàn bà trong phận đời nghiệt ngã ở vở Nửa đời hương phấn của soạn giả Viễn Châu.
Ngày trước muốn có được hạt ăn cực kỳ khu lắm, nào xay, nào quạt, nào giã. Giã hạt thì bằng cối giã, quạt thì quạt thùng. Xay thì xay bằng cồi đất. Biết nói cách nào đây để người của hôm nay hình dung được những dụng cụ gắn liền với người làm ruộng ở thời xa cũ. Thùng quạt ít nhà có vì cực công làm lại tốn nhiều gỗ. Vì vậy rê lúa thường mượn gió để rê, mừng nhất là bất chợt gió nam tạt về, gió mạnh dữ ôn lắm, lúa rê xong nhìn bóng mẩy bắt ham.
Chỉ chừng ấy thôi, góc quê mãi là góc nhớ, chứ nói cặn kẻ thành dài dòng, không khéo lại làm bực lòng người nghe. Như bấy nhiêu cũng đủ với tui, để…
“Chợt thèm thao thiết dáng xưa
Dáng ngồi gom gió giữa trưa mùa đồng.
Gom từ dáng nón lên đồng
Tay liềm tay lúa bóng lồng nắng trưa
Đồng xưa vậy đó nắng mưa
Mòn duyên con gái tuổi vừa chớm duyên”.