Thăm Rừng Mã Đà Gặp Chiến Khu Xưa - Ảnh 1.

Giữa những tháng ngày tuổi trẻ thỏa sức trải nghiệm và khám phá, chúng tôi hẹn nhau làm một chuyến phượt rừng Mã Đà.

Xe chạy băng ngang con sông Đồng Nai giữa mênh mông mờ sương, vẫn thấy mặt nước xanh êm ả hiền hòa. Mặt trời vén màn mây, chiếu những tia vàng lóng lánh xuống lòng hồ, “công trình thế kỷ” – đập thủy điện Trị An oai vệ dần rõ ràng hơn trước mắt. Chúng tôi đi thêm hơn 30 cây số để đến Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai.

Thăm Rừng Mã Đà Gặp Chiến Khu Xưa - Ảnh 1.

Rừng Mã Đà

Đ.N

Mã Đà sau cơn mưa đầu mùa có đoạn đường đất đỏ nhão nước nên hơi khó đi, bù lại rừng xanh hai bên được tắm gội lại thêm tươi mát. Càng đi vào sâu, hơi rừng nguyên sơ càng tỏa ra dồi dào, mát mẻ. Rừng nhiệt đới Mã Đà có cảnh quan đa dạng, hệ sinh thái phong phú hàng đầu Việt Nam với cây hỗn giao mọc dày đặc thành nhiều tầng. Năm 2011, rừng Mã Đà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới.

Mặt trời rực rỡ nghiêng nghiêng rải vạt nắng vàng ươm, dần hong khô những vạt đất đỏ, rập rờn từng đàn bướm bay lượn khoe sắc. Chúng tụ lại để hút khoáng chất trong nền đất đỏ hoặc đậu sát nhau tìm bạn. Những đàn bướm trắng, bướm phượng, bướm cỏ vàng, bướm rêu đá,… nhiều hoa văn dập dìu khoe sắc, đùa giỡn trong không trung, lung linh mơn trớn mặt đất, đáp rất khẽ trên cành lá xanh, tạo nên khung cảnh thơ mộng hệt trong câu chuyện cổ tích. Chúng tôi ngơ ngẩn ngắm nhìn, tranh thủ chụp hình lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp của tự nhiên. Ở gần đó, các nhiếp ảnh gia cũng đang rón rén bước chân săn những tấm ảnh để đời.

Chúng tôi đi theo những cánh bướm mỏng tang chao liệng, chạy trên cung đường dẫn vào vùng đất huyền thoại chiến khu Đ. Chị hướng dẫn viên khu bảo tồn di tích nhiệt tình tiếp đón và chia sẻ. Chiến khu Đ chính thức được thành lập vào năm 1946, là căn cứ địa của các cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến như Khu ủy miền Đông Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam. Nằm giữa thâm u rừng già khó tiếp cận hay tấn công, chiến khu Đ thuận lợi xây dựng lực lượng vũ trang cho miền Đông trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Từ căn cứ chiến lược này, các chỉ đạo cấp cao được truyền tải đi, là cơ sở để tấn công địch tại Sài Gòn và các tỉnh vùng Đông Nam bộ.

Dan Bo Tot Trong Rung Ma Da

Đàn bò tót trong rừng Mã Đà

Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai

Trong câu chuyện kể lại, Mã Đà “sơn cước” thuở ấy là nơi rừng sâu, nước độc. Bộ đội ta vừa phải vật lộn với những trận bom càn quét, vừa chống chọi cùng cơn sốt rét rừng nguy hiểm. Nhưng dẫu thế nào chăng nữa, vẫn là “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”. Nhờ cánh rừng Mã Đà chở che, bảo bọc và lòng kiên trung, tinh thần quả cảm của quân dân ta, mới có những trận đánh oanh liệt khiến giặc kinh hồn khiếp vía. “Dù thiếu cơm thiếu áo/Đánh đặc công cũng hay/Ăn củ mì cũng giỏi/Thế nào cũng thắng… Ta tiêu diệt hoàn toàn đồn Bến Sắn/ Tiệc liên hoan có bát cơm gạo trắng/Tiếng cười tiếng hát vang rừng” (thơ Huỳnh Văn Nghệ). Rồi từ chiến khu Đ, quân chủ lực của Khu ủy miền Đông đã tỏa ra, phối hợp cùng các mặt trận khác giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Chúng tôi nhìn quanh bạt ngàn rừng già, đàn bướm bay lượn thong thả, chim ca ríu rít trên cành, xanh mướt những tán lá, cỏ hoa căng tràn sức sống, chằng chịt bao rễ cây, thân cây vươn cao kiêu hãnh. Nhưng hóa ra từng có một thời Mã Đà là những hố bom sâu hoắm, vạt rừng cháy đỏ, trụi lá nham nhở vì lửa đạn chiến tranh. Cũng chính tại cánh rừng này, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã gởi gắm hình hài vào đất mẹ. Mọi người lặng lẽ thắp nén nhang tưởng niệm các anh hùng dân tộc tại Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà. Để biết rằng, bao xương máu cha ông đã đổ xuống mới bảo vệ được bình yên cho khu rừng và từng tấc đất của quê hương.

Là khói nhang cay mắt hay những câu chuyện kể khiến lòng người xúc động mà ai cũng rưng rưng. Trong 70 ngôi mộ nằm yên ắng ở đây, chỉ có 5 ngôi mộ khắc tên họ. Phải chăng vì thế mà người dân gọi là “Nghĩa trang không bia mộ”. Bởi còn đâu đó giữa rừng già hàng ngàn hài cốt liệt sĩ không rõ tên tuổi đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Có thể họ thuộc Quân y viện K72 (Bệnh xá dã chiến của Trung ương Cục miền Nam) và quân chủ lực miền mà điển hình là Sư đoàn 9 anh dũng.

Bao lớp người ngã xuống, qua những trận đánh khốc liệt bị bom đạn cày xới và thời gian xóa vết tích. Họ đã dành tuổi thanh xuân sống và chết để bảo vệ đất nước trong khói lửa chiến tranh. Và có lẽ những hương hồn, anh linh ấy cũng đang bảo vệ cánh rừng thiêng Mã Đà ở thời bình hiện tại. Trước khi được gọi chung là anh hùng dân tộc thì họ là cha, là con, là anh, là em có tên tuổi riêng của gia đình bình thường nào đó. Bây giờ chỉ còn những ngôi mộ gió để đời sau tưởng nhớ, tri ân.

Chúng tôi đi quanh các nhà di tích, tham quan các căn nhà mái lá trung quân, bếp Hoàng Cầm, hầm trú ẩn và địa đạo. Rồi cùng chụp ảnh kỷ niệm với các mô hình tái hiện khung cảnh sinh hoạt ấm tình quân dân thuở xưa. Mọi người khám phá các loại cây rừng lạ lẫm, ngồi đòng đưa trên xích đu gỗ, hoặc nghỉ mệt dưới bóng cây mát rượi. Rừng xanh vẫy lá, gió đùa bên tai, nắng rớt ngay vai, sau những giây phút lắng lòng, chúng tôi đã có thể cười nói vui vẻ.

Vốn dĩ chỉ là một chuyến đi chơi, chúng tôi không chủ ý sẽ cất công tìm hiểu về lịch sử – văn hoá. Nhưng sự tình cờ đã đưa chúng tôi “về nguồn”, hiểu hơn về một thời Mã Đà đất lửa rừng thiêng. Quả thực là trải nghiệm vô cùng quý giá và tuyệt vời. Tuổi trẻ miền Đông gian khó mà hào hùng trong những năm tháng chiến tranh, vậy thì tuổi trẻ thế hệ lớn lên trong hòa bình êm ấm cũng phải sống sao cho xứng đáng.

Thăm Rừng Mã Đà Gặp Chiến Khu Xưa - Ảnh 3.

 

Bài Viết Liên Quan