Chị Bùi Thị Thanh Hằng sinh năm 1980, quê ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội vốn là trưởng phòng luật của một tập đoàn viễn thông của Thụy Điển, phụ trách các vấn đề pháp lý của tập đoàn tại 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar.
Năm 2021, chị Hằng quyết định từ bỏ công việc với mức lương ổn định để về làm nông nghiệp toàn thời gian, phát triển trang trại Karose Garden với 20.000 gốc hồng cổ và sản xuất mỹ phẩm hữu cơ từ hoa hồng bản địa.
Chị Hằng tâm sự, ký ức thời thơ bé của chị vẫn phảng phất mùi hương của cây hồng nhung mẹ trồng trước hiên nhà. Không chỉ chị mà nhiều “8x đời đầu” sống ở vùng ngoại ô đều ít nhiều giữ trong mình kỷ niệm đẹp với cây hoa hồng nhung.
“Cùng với thời gian, loài hồng nhung giống cổ và các loại hồng cổ khác của Việt Nam dần biến mất do sự du nhập của nhiều giống hồng ngoại lạ mắt. Nhưng với tôi vẫn có tình yêu mãnh liệt với loài hồng cổ này. Với đam mê và mong muốn giữ gìn giống hoa quý bản địa, tôi đã đi khắp nơi tìm kiếm và mang giống về trồng tại vườn nhà”, chị Hằng trải lòng
Trang trại hoa hồng cổ Karose Garden được trồng từ năm 2015 với diện tích 10.000m2 và 20.000 gốc hồng các loại.
Lấy cảm hứng làm nông nghiệp không hóa chất từ cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của Masanobu Fukuoka, chị Hằng theo đuổi canh tác hoa hồng bằng phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng.
Khu vườn hồng được chăm sóc bằng phân hữu cơ đạt chứng nhận của Viện Vật liệu hữu cơ Hoa Kỳ (OMRI Listed), khống chế sâu bệnh bằng thiên địch và sự đa dạng sinh học. Từng khóm hồng, từng đọt mầm non đều được công nhân tại đây tỉ mỉ chăm sóc.
Hoa hồng là loài hoa rất kiêu kỳ và khó chăm sóc, lại canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ nên sản lượng phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, mùa vụ. Khi quyết định bỏ việc, không còn nhận một mức lương ổn định, thời gian đầu khởi nghiệp chị Hằng gặp không ít khó khăn.
“Có đôi lần, tôi ngấp nghé cửa thất bại vì nguyên liệu phụ thuộc vào mùa vụ, không có nguyên liệu để sản xuất đồng nghĩa với việc không có sản phẩm và không có doanh thu, bản thân phải gồng gánh rất nhiều chi phí. Nhưng bẳng sự quyết tâm và cố gắng, mình đã tìm cách để vượt qua khó khăn”, chị Hằng chia sẻ.
Ngày 9/1/2021, tại trang trại hoa hồng cổ Karose Garden ở xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), Giám đốc điều hành của tổ chức cấp chứng nhận Control Union – ông Richard De Boer đã trao chứng nhận hữu cơ của Mỹ và Liên minh châu Âu cho Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam. Đây là chứng nhận hữu cơ được đánh giá là uy tín và nghiêm ngặt nhất thế giới với việc kiểm soát hàng trăm chỉ tiêu khác nhau trên cây trồng và sản phẩm.
9 năm là cả một hành trình gây dựng và trưởng thành. Mọi người thường gọi chị Hằng bằng cái tên “Hằng Karose” hay “Hằng hoa hồng”. Chị Hằng tâm sự, những gì nhận được có cả hữu hình và vô hình, nhất là gia đình, bạn bè, khách hàng của chị được sử dụng những sản phẩm hoàn toàn tự nhiên.
Qua việc làm nông nghiệp, chị ý thức rõ ràng hơn những vấn đề xã hội đang ngày càng nóng bỏng như an toàn thực phẩm, sản phẩm biến đổi gen. “Trong tương lai, tôi muốn biến khu vườn thành điểm đến của những người yêu nông nghiệp tự nhiên, là nơi giao lưu, lưu trữ và nhân giống các giống cây, con thuần chủng”, chị Hằng chia sẻ thêm.