Rau lành trên đất tốt
Sông Kôn – dòng sông lớn nhất Bình Định từ thượng nguồn chảy về đến địa phận xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn) thì chia làm 2 nhánh: Nhánh chảy về phía đông nam được gọi là nhánh Nam phái, nhánh chảy về hướng đông bắc gọi là nhánh Bắc phái.
Khi xây dựng trang trại rau hữu cơ Yuuki Farm tại thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định), anh Trịnh Hưng Công được các lão niên ở đây cho biết vùng đất này xưa kia là lòng sông La Dĩ – một nhánh của con sông Thị Lựa thuộc dòng sông Kôn nhánh Bắc phái.
Xã Nhơn Hậu được mệnh danh là “đất 2 vua” bởi xưa kia nơi đây từng tồn tại thành Đồ Bàn – kinh đô của Vương quốc Chăm Pa và sau đó là thành Hoàng Đế – kinh đô của chính quyền Trung Ương Hoàng Đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc. Khi ấy, sông La Dĩ được cho là long mạch của đất vua, bởi dòng sông này chảy ôm quanh kinh đô của 2 vương triều nói trên. Trải qua bao dâu bể, sông La Dĩ bị bồi lấp để giờ trở thành vùng đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ nằm cận kề với nhánh sông Kôn Bắc phái có tên là sông Thị Lựa.
Sau nhiều năm vừa học vừa làm trong một trang trại chuyên sản xuất rau hữu cơ vi sinh tại Nhật Bản, về quê, anh Trịnh Hưng Công khởi nghiệp với nghề trồng rau hữu cơ, trang trại của anh được lấy tên là Yuuki Farm. Địa điểm đầu tiên anh Công khởi nghiệp là vùng đất long mạch xưa, nằm trên địa bàn thôn Thiết Trụ (xã Nhơn Hậu) có diện tích 1,6ha. Hiện nay, vùng đất này được anh Công làm trang trại với mô hình trồng 36 loại rau củ quả, mỗi loại trồng mỗi ít. Trang trại trồng thử nghiệm các giống mới, thử nghiệm quy trình, làm nơi để học sinh tham quan trải nghiệm; làm mô hình thử nghiệm phân, thuốc hữu cơ và là nơi sơ chế rau củ quả trước khi đưa ra thị trường.
Ngoài ra, hiện nay anh Công còn sở hữu 3 trang trại rau hữu cơ khác, 1 ở thôn Thiết Trụ Bắc (xã Nhơn Hậu) có diện tích 1ha, 1 ở thôn Đại Hòa (xã Nhơn Hậu) có diện tích gần 2ha và 1 ở thôn Thiết Tràng (xã Nhơn Mỹ) có diện tích 1,8ha. 3 trang trại nói trên chuyên sản xuất thương phẩm các loại rau củ quả đã được trồng thử nghiệm từ trang trại chính. Tổng diện tích Yuuki Farm đang canh tác rau hữu cơ hiện nay đã tăng đến 6,4ha, đều nằm ven nhánh sông Kôn Bắc phái.
“Hiện nay, mỗi ngày Yuuki Farm cung cấp ra thị trường từ 50 – 100kg rau củ quả các loại, chủ yếu bán cho khách hàng miền Bắc và miền Nam. Khách hàng miền Bắc của chúng tôi chỉ có 2 đại lý lớn, mỗi tuần đi 3 chuyến hàng. Còn ở miền Nam có 32 cửa hàng bán rau hữu cơ là khách hành thân thiết, 32 cửa hàng này lấy hàng đều đặn mỗi ngày. Ngoài ra, Yuuki Farm còn cung cấp sản phẩm cho 3 trường mầm non và nhiều cửa hàng bán rau hữu cơ tại TP Quy Nhơn”, anh Trịnh Hưng Công chia sẻ.
Đất bãi bồi vốn đã giàu dinh dưỡng, thêm vào đó, xung quanh những trang trại của anh Công là mỏ đá ong bao bọc. Mỏ đá ong lọc tầng nước ngầm nên nước ở đây không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, nhờ đó cây trồng ở vùng này có chất lượng khác xa các nơi khác.
“Sản phẩm của Fuuki Farm ra thị trường được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đơn cử như dưa hấu. Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, dưa dấu hữu cơ của Yuuki Farm được người tiêu dùng miền Nam đánh giá ngon hơn cả dưa hấu Long An. So sánh dưa hấu của Yuuki Farm với dưa hấu trồng ở Long An, 2 quả dưa cùng kích cỡ, nhưng dưa hấu của chúng tôi nặng hơn dưa hấu Long An nhờ độ liên kết của ruột dưa. Hiện nay, trong mùa nắng, mỗi tháng Yuuki Farm cho ra thị trường từ 10 – 12 tấn dưa hấu. Dưa hấu của chúng tôi bán tại thị trường Hà Nội có giá 60.000 – 65.000 đồng/kg, có bao nhiêu bán cũng hết”, anh Trịnh Hưng Công chia sẻ.
Cây trồng thiếu chất gì, bồi bổ dinh dưỡng ấy
Trong 4 trang trại chuyên trồng rau củ quả của Yuuki Farm hiện đang thu hút 22 lao động. Riêng trang trại chính có 13 lao động, trong đó có 5 lao động kỹ thuật có trình độ đại học, tiêu biểu là kỹ sư nông nghiệp trẻ Hà Thị Thanh Thảo. Thảo tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm TP.HCM năm 2022, vừa ra trường, Thảo liền đầu quân cho Yuuki Farm, phụ trách mảng phân, thuốc.
Theo Thảo, toàn bộ 6,4ha rau của quả của Yuuki Farm nếu bị sâu bệnh sẽ được “uống thuốc Nam” là các chế phẩm sinh học do trang trại tự chiết xuất, còn đất thì được bổ sung dinh dưỡng bằng phân hữu cơ. Các loại rau củ quả của Yuuki Farm trồng đều được phòng, trị bệnh bằng các chế phẩm sinh học được chiết xuất từ các loại thảo dược như gừng, tỏi, sả, ớt, hạt bình bát, vỏ và lá cây sầu đông, bã dầu dừa, cây thuốc lá…
“Các loại thảo dược nói trên được phơi khô, xay nhuyễn rồi ủ với men vi sinh. Chế phẩm này có thể khắc chế các loại sâu hại như sâu, bọ trĩ, nhện đỏ. Làm rau hữu cơ phòng sâu bệnh là chính. Phải biết giai đoạn nào cây rau sẽ phát sinh loại sâu bệnh gì, định kỳ 1 tuần phun phòng loại chế phẩm sinh học khắc tinh với loại sâu bệnh ấy là cây rau được bảo vệ an toàn”, kỹ sư Hà Thị Thanh Thảo cho hay.
Chuyện phân bón của Fuuki Farm nghe cũng thật cầu kỳ. Hiện Yuuki Farm đang liên kết với VietFarm xây dựng quy trình làm phân gà viên để làm nguồn dinh dưỡng chính cho cây rau. Quy trình sản xuất phân gà viên rất nghiêm ngặt. Phân gà được xử lý qua 3 tầng đốt để khử kim loại nặng và giun, sán nếu còn tồn dư, sau đó được phun dinh dưỡng. Dinh dưỡng được chiết xuất từ những dịch và men để làm ẩm phân gà rồi mới được nén, đóng bao.
“Nắm bắt nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng cần gì thì tôi đặt hàng VietFarm làm theo quy trình đó. Bình quân 1 mẻ phân VietFarm cho ra từ 100 – 300 tấn. Do quy trình Yuuki Farm đặt hàng rất khác biệt, chế độ phun dinh dưỡng cũng khác nên không thể đưa ra thị trường bán đại trà. Do đó, khi Yuuki Farm đặt hàng là phải mua hết cả mẻ, sử dụng không hết thì chia ra những trang trại liên kết”, anh Trịnh Hưng Công chia sẻ.
Để “bồi bổ sức khỏe” cho cây trồng, Yuuki Farm còn sử dụng xác đậu nành, chuối, dịch lông gà, trứng gà, sữa… ủ với mật rỉ đường và men vi sinh bón nhằm cung cấp đa lượng, trung lượng và vi lượng cho cây trồng.
Theo chị Hà Thị Thanh Thảo, quy trình chăm sóc tùy theo nhu cầu dinh dưỡng khác nhau của mỗi loại cây trồng. Ví như cây cải kale, trong suốt quá trình sinh trưởng từ 4 – 6 tháng, cây trồng này sẽ cần được bổ sung nửa ký phân gà viên/1m2 đất, hoặc từ 1,5 – 2kg phân gà đã qua xử lý chế phẩm vi sinh hay 4kg phân bò. Nhưng không thể cho cả số lượng phân nói trên vào diện tích 1m2 đất 1 lần vì sẽ gây lãng phí và làm cây trồng bị ngộ độc dinh dưỡng, mà cần được bón tùy nhu cầu thiết yếu vào từng thời điểm cụ thể với liều lượng cụ thể.
Chuyện trồng rau hữu cơ như “thôi miên” 2 “thầy trò” Trịnh Hưng Công và Hà Thị Thu Thảo. “Sức khỏe của cây trồng biểu hiện qua màu xanh của lá, nếu thiếu đa lượng thì lá sẽ chuyển sang màu vàng từ đầu ngọn lá trở vào; nếu thiếu trung lượng như lưu huỳnh, can xi, magie lá cây sẽ vàng từ bên trong vàng ra; còn thiếu vi lượng lá sẽ có những đốm vàng.
Cây rau bị thiếu sắt hoặc đồng thì gân lá sẽ bị bạc chứ không còn màu xanh; nếu thiếu kẽm thì gân lá vẫn xanh, nhưng từ gân lá trở ra sẽ có hiện tượng đốm vàng. Dựa vào những hiện tượng trên, mình sử dụng liều lượng dinh dưỡng cần theo công thức để bón cho cây trồng”, anh Trịnh Hưng Công dẫn giải.
“Chi phí làm hữu cơ giảm 70% so với chi phí sử dụng phân bón vô cơ. Bà con ở nông thôn có dồi dào nguyên liệu đầu vào như chuối chín, đu đủ hoặc những trái cây hư hỏng được thương lái bán rẻ. Làm ra 1 lít chế phẩm sinh học có chi phí khoảng 10.000 đồng, trong khi 1 lít có thể tưới cho từ 300 – 500m2 cây trồng. Chi phí đầu vào đã giảm mà cây trồng còn ít bị bệnh, ắt nhiên người trồng có lợi nhuận cao”, chị Hà Thị Thanh Thảo chia sẻ.