Chúng tôi ngồi cùng nhau trong một chiều biên viễn nóng cháy người. Khai – ông chủ vườn – mời cả đoàn mâm hạt điều nhâm nhi với chè xanh trong lúc chờ bên công ty nông sản chốt lại các điều khoản trên hợp đồng thu mua…
Đôi lời thăm hỏi đưa chúng tôi từ chuyện thu mủ, trồng cao su đến chuyện khai hoang và những chuyện xưa lắc xưa lơ trên mảnh đất này.
Khai thuộc nhóm người sớm nhất đặt chân vào Bình Phước theo diện kinh tế mới. Anh 7 tuổi, cha xuất ngũ. Ông về nhà tuyên bố “vào Sông Bé khai hoang” rồi hì hụi gom đồ đạc cả tháng trời. Hôm ông mang về cái bình tông đựng nước, bữa xách túm ngô giống, khi dăm cân lúa cao sản. Cả nhà bắt đầu cuộc di cư với đồ đạc chất đầy mấy chiếc xe cút kít, phải nhờ các chú bác trong làng vần ra ga xe lửa. Quê hương lúa xanh với bầy trâu yên lành gặm cỏ của Khai cứ thế lùi xa trong tiếng xình xịch của đầu máy và tiếng cạch cạch của thanh tà vẹt khi tàu lướt qua.
Những ngày đầu đặt chân vào đất kinh tế mới, nhìn cỏ vàng khô cháy, bụi ngập đến mắt cá chân và phải liên tục ăn sắn luộc, cậu bé Khai chưa hiểu chuyện chỉ khóc đòi về quê. Cha anh không đánh mắng con, cũng không khuyên bảo anh phải yêu mảnh đất này. Ông chỉ lầm lũi chặt từng vác tầm vông về quây một giậu rào dày và vỡ đất làm cho mẹ mấy luống rau. Mẹ anh đi bộ hàng 7 – 8 km tới nhà một người đồng hương xin nắm hạt giống mùng tơi và cành rau ngót giâm đầy những luống rau mới. Cả gia đình chung tay thu vén một căn lều nhỏ với vách, giường, bàn ghế đều làm từ tầm vông, lồ ô và chăm một mảnh vườn rau bé con con.
Những tháng đầu tiên, cha mẹ mải miết trên vạt đất bìa rừng được cấp. Những bụi cây um tùm ngã xuống, những gốc cây mấy người ôm được đào bật lên, những hố to nhỏ được san phẳng. Rồi những hạt giống mang theo từ quê hương được gieo xuống đất mới.
Nhưng ông trời chẳng thương những người đổi mồ hôi lấy miếng ăn, vụ đầu tiên cả lúa ngô đều lép hạt. Những cơn mưa trắng xóa và giông lốc tháng 6 cuốn gãy những cây bắp ngô đang độ dựng cờ. Những cơn sốt rét rừng vì lạ đất kéo tới liên miên. Vụ mùa thất thu. Lương thực không đủ. Những đứa trẻ như Khai không có trường học.
Khó khăn trăm bề tưởng có thể đánh gục bất cứ ai nhưng lại không làm chùn nổi bước chân của những người như cha Khai, đồng đội của ông và những người dấn thân đi mở đất xứ này. Họ chia nhau từng lon gạo, con cá, bó rau. Các bà, các mẹ cùng nhau tìm măng, hái nấm, đào củ mài lót lòng ngày đói. Những ngày cận Tết, đàn ông nguyên xóm rủ nhau đi săn nhím, thỏ, lợn rừng để thêm đồ ăn mặn. Họ vẫn bám đất, liên tục phát thêm những mảnh rừng khô cháy và trồng xuống những cây non, từ hoa màu đến cao su, điều, cà phê. Đến ngày Khai lớn, những mảnh rừng khô cằn đã xanh mướt, cao su dần cho thu mủ, điều bung bông cho quả những lứa đầu.
Năm 19 tuổi, Khai theo gót cha nhập ngũ, nhưng khi hết nghĩa vụ quân sự anh không chọn ở lại bộ đội mà rời quân ngũ về với mảnh đất đỏ gia đình đã dày công khai phá. Có lẽ khoảng thời gian dài gắn với rẫy rừng đã khiến anh thiết tha yêu cả đất lẫn người ở vùng kinh tế mới chồng chất khó khăn này.
Lúc Khai tiếp nhận mảnh vườn nhà, cha mẹ anh lại nhận một vạt đất hoang. Có rất nhiều người lính khác như cha Khai, người trẻ, người già, sau khi rời quân ngũ, ngừng chiến đấu ở tiền tuyến họ lại lùi về chiến đấu ở hậu phương. Những người cựu binh ấy đi qua những vạt rừng hoang, trả lại cho đời sau đất đai màu mỡ. Họ đổ xuống đất cằn những giọt mồ hôi, biến nó thành những vườn rẫy xanh um. Sau khi điều, cà phê, cao su, cây ăn trái phủ kín những đồi đất đỏ thì họ lại mang hành trang của mình lên đường đi khai phá, đắp bồi vùng đất hoang vu khác.
Những người cựu binh lập thành một nhóm lạ kỳ chuyên đi “mở đất”. Họ hoặc dắt díu cả gia đình, hoặc một thân một mình. Họ đi không phải vì mộng làm giàu trên đất hứa, mà đi như một trách nhiệm thiêng liêng với tổ quốc. Những người lính đã cống hiến cả thanh xuân cho chiến trường giờ vẫn cống hiến cho non sông theo một cách khác. Chống giặc ngoại xâm xong rồi, bây giờ bắt tay vào chống giặc đói.
Những người đi theo tiếng gọi kinh tế mới ấy chính là những anh hùng thầm lặng, những người đi mở đất, đắp trù phú lên những mảnh đất cằn chi chít vết xước từ bom đạn chiến tranh. Họ đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu thịt trên những vạt đất này, để hôm nay điều, cà phê, cao su, cây ăn trái phủ màu xanh mướt lên vùng đất hoang vàng cháy khi xưa.
Bây giờ Khai đã sắp bước vào tuổi ngũ tuần. Bốn chục năm anh gắn với đất đỏ, ngắm nhìn xứ này thay da đổi thịt. Những vườn cao su xanh mướt, bạt ngàn đã thay cho cánh rừng lồ ô ngày trước. Những căn nhà khang trang thế chỗ cho lán tầm vông. Vợ Khai – một người phụ nữ đằm thắm có nước da nâu – đã sinh cho anh một trai, một gái. Những ánh mắt trẻ thơ trong vắt như dòng thác Đắk Mai là quả ngọt của người ươm tình trên vùng đất đỏ miền Đông anh dũng này.