Một Đoạn Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè Nhìn Từ Trên Cao

Khi được hỏi về sự đổi thay lớn nhất trong 40 năm qua ở TP.HCM, nhiều người đã không cần suy nghĩ, nói ngay đến sự hồi sinh của 3 con kênh lớn ở trung tâm TP, đó là Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé và Tân Hóa – Lò Gốm.

Khi được hỏi về sự đổi thay lớn nhất trong 40 năm qua ở TP.HCM, nhiều người đã không cần suy nghĩ, nói ngay đến sự hồi sinh của 3 con kênh lớn ở trung tâm TP, đó là Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé và Tân Hóa – Lò Gốm.

Một Đoạn Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè Nhìn Từ Trên Cao Một đoạn kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhìn từ trên cao – Ảnh: Diệp Đức Minh

Thay đổi, nói không quá lời là sự lột xác hoàn toàn bởi trước đây, hai bên các con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé và Tân Hóa – Lò Gốm là hàng vạn căn nhà lụp xụp. Trong những căn nhà ấy là cuộc sống chen chúc của con người cùng với rác rưởi, chuột bọ… vì mọi thứ sinh hoạt đều xả xuống kênh. Do vậy, những tuyến kênh này không chỉ nước đen kịt, đặc quánh, hôi thối nồng nặc, mà còn lưu chứa một lượng rác thải rất lớn, có nơi có thể đi bộ trên rác ở giữa lòng kênh như đoạn ở thượng nguồn kênh Tân Hóa – Lò Gốm.

Thay đổi cuộc sống của hơn 7.000 hộ dân

Chính quyền TP.HCM đã quyết tâm thực hiện cải tạo, đầu tiên là kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cách nay 23 năm bằng nguồn vốn ngân sách TP. Hơn 7.000 căn hộ sống dọc kênh đã được giải tỏa, làm đường ven kênh và tạo cảnh quan đô thị dọc hai bờ kênh. Đến nay, TP.HCM đã hoàn thành việc cải tạo 3 tuyến kênh lớn bị ô nhiễm nặng ở khu vực trung tâm TP, biến những dòng kênh đen dần dần trở thành những dòng kênh xanh.

Một Đoạn Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé Ngày Nay Một đoạn kênh Tàu Hủ – Bến Nghé ngày nay – Ảnh: Diệp Đức Minh
Quote1

Bây giờ, nhìn trên cao xuống, dòng kênh xanh uốn lượn ôm bởi các hàng cây bụi cỏ xanh tươi, dưới nước thì cá tung tăng, trên bờ thì nhà dân xinh xắn xen lẫn các công trình cao vút, khó tính mấy cũng phải khen không gian tầm nhìn cảnh quan đô thị TP.HCM hiện nay đẹp và hiện đại không thua gì ở các nước phát triển

Quote2

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông

Dọc theo những trục đường ven 3 tuyến kênh giờ là những hàng cây xanh rợp mát, những vạt hoa kiểng đủ màu sắc, một diện mạo mới, một sự đổi khác tích cực. Hai bên bờ kênh là vỉa hè thoáng mát, tạo không gian thư giãn cho người dân. Nhiều thiết bị tập thể dục ngoài trời được lắp đặt, giúp cho người dân có điều kiện luyện tập thể thao, nâng cao sức khỏe. Những tòa nhà mới hiện đại cũng xuất hiện ngày càng nhiều dọc dòng kênh xanh. Những cây cầu bắc qua dòng kênh cũng được làm đẹp bằng giàn cây leo phủ xanh và đèn màu trang trí. Khi màn đêm buông xuống, những dòng kênh lung linh sắc màu.

Thơ mộng nhất là con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, trông như một dải lụa mềm mại, uốn lượn giữa hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa, luôn nhộn nhịp về đêm.

Ngoại trừ tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm nước vẫn còn ô nhiễm, ở hai tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tàu Hủ – Bến Nghé đã ngày một trong hơn, nhất là ở phía hạ lưu tiếp giáp với sông Sài Gòn. Trên hai con kênh này, cá đã xuất hiện khá nhiều, điều mà những năm trước kia không ai dám nghĩ tới. Vào những ngày triều cường, nước kênh càng trong và sạch hơn, thấy rõ từng đàn cá bơi lội. Đặc biệt là trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đoạn qua khu vực Q.1, Q.3, Q.Bình Thạnh và Q.Phú Nhuận,  vào sáng sớm, cá rô phi và cá chép nổi lên đầy mặt nước.

Đó là kết quả của phong trào thả cá phóng sinh của người dân, chính quyền và nhiều tổ chức xã hội trong những năm qua. Nhưng hơn hết đó là chất lượng nước kênh đã tốt lên, đảm bảo điều kiện cho cá sinh trưởng và phát triển. Riêng con kênh Tân Hóa – Lò Gốm do vẫn còn đang được nạo vét nên nước vẫn còn đen, hy vọng sẽ dần dần được cải thiện trong những năm tới.

Một ý nghĩa lớn lao hơn đó là cả 3 công trình đã làm thay đổi cuộc sống của hàng ngàn hộ dân từng sinh sống dọc những con kênh này và mang lại cuộc sống mới cho hàng ngàn hộ dân sống ở hai bên tuyến kênh như ngày nay.

Không thua gì nước ngoài

“Nếu chọn một công trình tiêu biểu nhất để nói về sự thay đổi của TP.HCM trong 40 năm qua, tôi sẽ chọn công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè” – ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM – hiện là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP, khẳng định như vậy.

Dòng kênh mà thời thơ ấu, những ngày đất nước vừa thống nhất, ông Khoa vẫn nhớ rất rõ, có hàng ngàn căn nhà lụp xụp, với hàng chục ngàn người sinh sống bên con kênh đen đúa, dơ bẩn. Với con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, ông Khoa nói lãnh đạo TP.HCM đã có một quyết định rất sớm về việc cải tạo dòng kênh này, vào những năm điều kiện về nguồn lực tài chính của TP còn rất nhỏ bé so với quy mô lớn lao của công trình. Hơn nữa, chính quyền TP đã quyết định thực hiện dự án trong điều kiện chủ trương, chính sách vẫn còn rất nhiều bất cập, còn nhiều bó hẹp, nhiều khó khăn, chứ không phải thuận lợi như ngày hôm nay. Với sự quyết tâm cao của lãnh đạo TP qua nhiều thời kỳ, cùng với sự đồng thuận của người dân và với sự trợ giúp nguồn tài chính của Ngân hàng Thế giới, TP.HCM đã có một công trình, một dòng kênh ngày một sạch hơn, đẹp hơn.

Tuyến Kênh Tân Hóa - Lò Gốm Trước (Trên) Và Sau Khi Cải TạoTuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm trước (trên) và sau khi cải tạo –  Ảnh: Diệp Đức Minh

Trao đổi với Thanh Niên, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nhận xét ý nghĩa của các dự án trên về định lượng còn phải thêm một thời gian, nhưng về định tính thì rất lớn, nhiều khi ngoài sức tưởng tượng của người dân. “Bây giờ, nhìn trên cao xuống, dòng kênh xanh uốn lượn ôm bởi các hàng cây bụi cỏ xanh tươi, dưới nước thì cá tung tăng, trên bờ thì nhà dân xinh xắn xen lẫn các công trình cao vút, khó tính mấy cũng phải khen không gian tầm nhìn cảnh quan đô thị TP.HCM hiện nay đẹp và hiện đại không thua gì ở các nước phát triển”, ông Sanh bày tỏ.

Ý nghĩa về chống ngập và vệ sinh môi trường, theo ông Sanh, đây cũng chính là mục tiêu của các dự án, nếu thực hiện hoàn chỉnh giai đoạn 2 và nối kết đồng bộ các dự án khác, chúng ta sẽ giải quyết được bài toán chống ngập và xử lý nước thải cơ bản cho khu vực trung tâm TP.HCM.

Việc cần làm thứ hai, đó là phải đầu tư cải tạo chỉnh trang đồng bộ các con kênh còn lại, đặc biệt là các con kênh ở các huyện ngoại thành, khu vực vùng ven, các nhánh kênh cụt đổ vào các hệ thống kênh đã được chỉnh trang.

Trải dài xuyên suốt qua nhiều quận

Với bà Nguyễn Thị Sáng, một người dân trước đây nhà ở khu vực giải tỏa của dự án kênh Tân Hóa – Lò Gốm (thuộc P.14, Q.6) và nay đã tái định cư tại xã Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh), khi trở lại nơi ở nhếch nhác ngày xưa của gia đình, giờ trở thành một phần đường dọc kênh với không gian thoáng đãng, không còn bị ngập úng, dơ bẩn, bà rất vui mừng. Còn với những người dân ở dọc hai bên con kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, một công trình trải dài xuyên suốt qua nhiều quận (1, 4, 5, 6, 8), sự thay đổi không chỉ về vấn đề môi trường, mà còn có ý nghĩa về giao thông bộ, giao thông thủy, với cảnh quan đẹp có thể khai thác du lịch.

 

Bài Viết Liên Quan